Từ năm 2012 đến
nay, công tác tuyên truyền về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được các
cấp, các ngành, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
quan tâm. Các hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng như: Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Đài Phát
thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai tổ chức hội thi tin học trẻ tỉnh Gia Lai
hằng năm; tổ chức 04 chương
trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Gia Lai” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
trên địa bàn các huyện: Ia Pa, Chư Prông, Mang Yang và Kbang. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Ngày hội Văn
hóa thể thao cho 200 trẻ em mồ côi và khuyết tật trên địa bàn tỉnh…, góp
phần nâng cao nhận thức của cấp
ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác trẻ em. Gia đình
và xã hội chủ động hơn khi tham gia các phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục,
bảo vệ trẻ em. Các sở, ban, ngành đã tổ chức ký kết văn bản liên tịch để thực
hiện mục tiêu trẻ em. Các địa phương đưa mục tiêu trẻ em vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm hỗ trợ,
đầu tư kinh phí cho xã, phường, thị trấn thực hiện các tiêu chí xã, phường, thị
trấn phù hợp với trẻ em; đồng thời, huy động được nhiều tổ chức, cá nhân
trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ Bảo trợ Trẻ em của tỉnh, cụ thể: Năm 2012
huy động được 2,084 tỷ đồng, năm 2016 huy động được 7,407 tỷ đồng, năm 2021 huy
động được 5,230 tỷ đồng.
Để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trẻ
em, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án bảo vệ trẻ em, nhất
là cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; đầu tư,
huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ. Công tác bảo trợ, can thiệp, bảo vệ
đối với trẻ em bịxâmhại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ
rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từng bước được nâng lên, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được quan tâm thực hiện. Kết quả, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ quan
trọng đã đạt được trong xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện
và lành mạnh, các quyền của trẻ em được thực hiện ngày càng tốt hơn. Năm 2012, toàn tỉnh có 59% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp
với trẻ em; năm
2020, đạt 63,63%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới
nhiều hình thức là 98,1% (so với năm 2012 là 95%).
Việc thực hiện thí điểm các mô hình về chăm sóc, bảo
vệ trẻ em như: Mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Mô hình
Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Mô hình Phòng ngừa, trợ giúp người chưa
thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng; Mô hình An toàn giao thông cho
trẻ em; Mô hình Kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp
pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị
bạo lực bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Mô hình Kết nối,
chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại
hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,...
đã và đang thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, cung cấp
kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, thể chất cho trẻ theo từng độ tuổi,
giúp trẻ phát triển trí tuệ, tình cảm, tâm hồn và bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại,
bạo lực và các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em… Từ các mô hình, hành động cụ
thể, đã tác động tích cực đến người dân trong các vấn đề đảm bảo an toàn cho
phụ nữ và trẻ em tại mỗi gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội; cùng với sự
chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội thực hiện chăm sóc, giáo dục và
bảo vệ trẻ em, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, các chế
độ, chính sách về trẻ em được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện. Hầu hết,
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (hiện toàn tỉnh có 3.190 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhận trợ cấp
hằng tháng tại cộng đồng), hơn 20.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều
nhận được sự quan tâm chăm sóc của xã hội thông qua các chính sách trợ cấp xã
hội, hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng. Các hoạt động nuôi dưỡng, trao tặng nhà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trao học bổng,
xe đạp, dụng cụ học tập, vở, cặp sách, quần áo học sinh, hỗ trợ sữa tươi cho
trẻ em nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), lễ, tết được duy trì thường xuyên; trẻ em bị tai nạn thương tích, bị xâm hại, rủi ro
hay trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 được kịp thời giải quyết, hỗ trợ… Nhờ đó, giúp nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc
sống.
Với
mục tiêu tạo cơ hội cho trẻ em được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, từng bước
tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp
lý cho trẻ, giảm tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng về chiều cao, cân nặng; thời gian qua, ngành y tế đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện
tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em,
như Chương trình bổ sung vitamin A cho trẻ em, phụ nữ sau sinh trong “Ngày vi
chất dinh dưỡng”. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh
dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân từ 18,8% (năm 2016) giảm xuống còn 11% (năm 2021); chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em đạt yêu cầu. Trẻ khuyết tật được
tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng; 100%
trẻ dưới 06 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời và hưởng chính sách khám, chữa bệnh miễn phí theo quy định.
Thời
gian qua, ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện tốt việc đổi mới chương trình,
nội dung, phương pháp giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; chỉ
đạo kiểm tra hoàn thiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở và công tác phổ cập tiểu học đúng độ tuổi;
tăng cường củng cố xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cho việc giảng dạy và học
tập. Trẻ em được tiếp cận với các loại hình giáo
dục phù hợp và bình đẳng, đảm bảo trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt
90,56%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu
học đạt 95%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp trung học cơ sở đạt 92,6%; tỷ lệ
đi học đúng độ tuổi ở cấp trung học phổ thông đạt 56,7%, từng bước nâng cao
chất lượng giáo dục ở khu vực dân tộc thiểu số.
Công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện trên cả 03 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ
trợ, can thiệp. Các ngành chức năng tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng nhằm
nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ
cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ nòng cốt, phụ huynh và chính bản thân các
em. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai các
hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thông qua hệ thống thông tin đại
chúng, mạng lưới làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bằng nhiều
hình thức. Luật Trẻ em đã được phổ biến rộng rãi đến các cấp, ngành, đến người
dân và trẻ em để đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đối với công tác
chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, quyền, nghĩa vụ của trẻ em.
Bên cạnh đó, việc bố
trí nguồn lực cho công tác trẻ em cũng được chú trọng. Công tác hợp tác quốc tế trong
thực hiện Quyền trẻ em như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ triển
khai Dự án Bạn hữu trẻ em giai đoạn 2012 - 2016 và Dự án Phát triển trẻ thơ
toàn diện giai đoạn 2017 - 2021 tại 9 xã trên địa bàn các huyện: Mang Yang,
Krông Pa, Kbang. Các tổ chức: Vina Capital, Children Action hỗ trợ các chương
trình phẫu thuật cho trẻ em, học bổng, dụng cụ học tập cho trẻ em có hoàn cảnh
khó khăn cũng được quan tâm.
Mặt
trận và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận
động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh xã hội hóa chăm
sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình,
nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội. Khuyến khích, vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ
chức, cá nhân cho các hoạt động và công trình dành cho trẻ em. Phối
hợp, lồng ghép thực hiện cùng lúc các phong trào để tăng hiệu quả thực hiện,
tập trung xây dựng, thực hiện Phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tăng
cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó, gia đình có
trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cùng với nhà trường giáo dục
hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát
triển toàn diện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công
tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn
chế nhất định, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ
trẻ em có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, còn hình thức; chất lượng, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền vận động chưa sâu sát,
cụ thể với từng nhóm đối tượng, chưa tập trung vào nhóm trẻ em có nguy cơ cao
bị bạo lực, xâm hại. Nhiều nơi mới chỉ tập trung vào Tháng hành động vì trẻ em, thiếu công tác đôn đốc thường
xuyên, liên tục nên nguy cơ tai nạn thương
tích, đuối nước trẻ em vẫn xảy ra.Tình trạng vi
phạm quyền trẻ em; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương
tích và đuối nước còn xảy ra ở nhiều địa phương. Từ năm 2012 đến nay, trung
bình mỗi năm có trên 43 trẻ em bị xâm hại, 781 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo còn
chiếm tỷ lệ cao so với tổng số trẻ em (20,2%). Số vụ tảo hôn trong vùng dân
tộc thiểu số còn cao, năm 2016 (1.343
vụ), năm 2021 (880 vụ).
Do đó,
để công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đạt được kết quả thì cần tiếp
tục nâng cao nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc nhằm tạo sự quan tâm đúng mức về công tác
bảo vệ trẻ em của
cấp ủy,
chính quyền, mặt trận và các tổ chức
chính trị - xã hội; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyền trẻ em; tạo lập cuộc
sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp, coi đây là nhiệm vụ quan
trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành ở địa
phương, cơ sở giáo dục trong việc bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối
sống trong gia đình, nhà trường; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên,
học sinh về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích,
kỹ năng bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; thực hiện
trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Quan tâm xây dựng,
bố trí, tạo thêm không gian vui chơi cho trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm người
có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.