Lúc đầu, Hà Huy Tập được cha mình dạy
tiếng Hán tại nhà, sau đó đi học và đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp trường tiểu học ở
tổng Thổ Ngọa, nhưn do gia cảnh khó khăn nên không được học tiếp. Tháng 9/1917,
nhờ có người giúp đỡ, Hà Huy Tập được ra tỉnh lỵ Hà Tĩnh học Trường Tiểu học
Pháp – Việt. Năm 1919, Hà Huy Tập đỗ thủ khoa kỳ thi chọn học sinh xuất sắc do
nhà trường tổ chức, được cấp học bổng, rồi vào học trường Quốc học Huế. Năm
1923, ông tốt nghiệp trường Quốc học Huế hạng ưu nhưng vì không có điều kiện
học lên nữa, nên ông về làm giáo viên trường Tiểu học Pháp – Việt tại Nhà
Trang. Trong thời gian này, đồng chí Hà Huy Tập tiếp xúc và đọc nhiều tài liệu,
hiểu thêm về tội ác của thực dân Pháp, cuộc sống bần hàn của nhân dân lao động
ở Việt Nam và Đông Dương.
Tháng 8/1926, đồng chí Hà Huy Tập
chuyển về dạy học ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh; tích cực hoạt động Hội Phục Việt (sau là Hội Hưng Nam), tích cực tuyên truyền tư tưởng
chống chuyên chế và chống thực dân Pháp trong học sinh và tầng lớp lao động.
Tháng 3/1927, đồng chí Hà Huy Tập vào dạy học tại một trường Tiểu học ở Gia Định,
sau đó đến Bà Rịa làm công nhân, lập ra một chi bộ, một hội đọc sách báo và tổ
chức các lớp học xóa mù cho công nhân.
Cuối tháng 12/1928, đồng
chí Hà Huy Tập cùng với một số đồng chí khác được cử đến Quảng Châu (Trung
Quốc) bàn việc hợp nhất Tân Việt Cách mạng Đảng với Hội Việt Nam Cách mạng
thanh niên. Sau đó đồng chí Hà Huy Tập được cử sang Liên Xô học ở Trường Đại học
Phương Đông, được trang bị Chủ nghĩa Mác - Lê nin càng khẳng định con đường
mình đi là đúng đắn.
Năm 1933, đồng chí Hà
Huy Tập sưu tập tư liệu và viết tập “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông
Dương” bằng tiếng Pháp. Có thể nói, đây là một luận văn chính trị được trình
bày một cách khoa học và sâu sắc, có sức thuyết phục cao. Ông là người đầu tiên
viết lịch sử Đảng Cộng sản ViệtNam.
Khoảng tháng 6/1933, đồng
chí Hà Huy Tập về Trung Quốc hoạt động cách mạng, tham gia Ban chỉ huy ở ngoài
của Đảng Cộng sản Đông Dương; triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội
lần thứ nhất của Đảng.
Đồng chí Hà Huy Tập
là người chủ công xây dựng các văn kiện và chủ trì Đại hội Đảng năm 1935. Giai đoạn tháng 7/1936 đến tháng 3/1938, những hoạt động cách
mạng của đồng chí Hà Huy Tập với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng. Tại Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 7/1936, đồng chí Hà Huy Tập được phân công
về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục tổ chức của Đảng.
Ngay sau đó, đồng chí đã sáng suốt quyết định chuyển trụ sở của Đảng từ nước
ngoài về xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Quyết định này có ý nghĩa
rất quan trọng, tạo điều kiện trong việc bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, thông
nhất của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phong trào
cách mạng lúc đó.
Tiếp đến, tại Bà Điểm
– Hóc Môn – Gia Định, đồng chí Hà Huy Tập liên tục chủ trì ba Hội nghị Ban Chấp
hành Trung ương, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, đó là:
1-Hội nghị tháng
3/1937, thống nhất các tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, xác định những chủ
trương mới thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển.
2- Hội nghị tháng
9/1937, thông qua một số quyết định quan trọng về việc thành lập Mặt trận thống
nhất nhân dân phản đế Đông Dương, phát triển cơ sở đảng trong các thành thị và
đồn điền, kết hợp các hình thức đấy tranh công khai và bán công khai.
3- Hội nghị tháng
3/1938, phân tích thái độ của các đảng phái, các tổ chức chính trị ở Đông
Dương, công tác quần chúng, công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng, quyết định
đổi Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận thống nhất
dân chủ Đông Dương.
Tại Hội nghị lần
thứ 3 (tháng 3/1938),đồng chí Hà Huy
Tập thôi giữ chức Tổng Bí thư, nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương.
Ngày
Quốc tế Lao động 1/5/1938, Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị địch bắt do có chỉ điểm và
đưa về giam ở Khám Lớn, Sài Gòn. Ngày 24/5/1938, phiên tòa tiểu hình tại Sài
Gòn xét xử Hà Huy Tập đã tuyên án 2 tháng tù giam và 5 năm cấm cư trú tại Nam
Kỳ, trục xuất về quê quản thúc.
Ngày
30/3/1940, đồng chí Hà Huy Tập bị bắt lại và đưa vào Nam Kỳ để xét xử. Thời
điểm này, nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, nên ngay sau đó, thực dân Pháp thẳng
tay bắt bớ, giam cầm và sát hại nhiều đồng chí, đồng bào ta. Ngày 3/4/1941, Tòa
án binh Sài Gòn đưa đồng chí Hà Huy Tập và những người chúng bắt được trong
cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ra xét xử và tuyên án tử hình, giam ở xà lim chém.
Ngày
25/10/1941, đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp xử tuyên án 5 năm tù giam và
ngày 28/8/1941, bị chính quyền Pháp xử bắn cùng với một số nhà cách mạng khác
như: đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… Đồng chí đã hy
sinh anh dũng ở tuổi 35, để lại tấm gương kiên trung, bất khuất, hiến dâng trọn
đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng
chí Hà Huy Tập tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp
cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta là rất quan trọng và to lớn. Sự nghiệp cách
mạng vẻ vang của đồng chí đã để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá về lý
tưởng cộng sản, về tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí
chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm
no của Nhân dân. Tinh thần và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập
sống mãi cùng với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân ta. Kỷ niệm 116 năm ngày sinh của đồng
chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2022), là dịp để chúng ta ôn lại
cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí
Hà Huy Tập cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Noi gương Tổng Bí
thư Hà Huy Tập, phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua
yêu nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh./.