Với những lời căn dặn thiết
tha, thấm đẫm tư tưởng, đạo đức, phong cách của bậc vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại, Di chúc
thiêng liêng của Người đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, soi
sáng con đường cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc,
làm tròn nghĩa vụ quốc tế và vững bước trên con đường đổi mới, tiến hành công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã
hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc từ
tháng 5/1965 - khi bước sang tuổi 75, vào tuổi “xưa nay hiếm”, đúng vào thời điểm
cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt,
song đang trên đà thắng lợi. Và không chỉ một lần, mà trong những năm tiếp theo
sau đó, Người nhiều lần trăn trở, suy ngẫm, để bổ sung, hoàn thiện bản Di chúc
- Tài liệu tuyệt đối bí mật, theo như
cách gọi của Người.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản
công bố năm 1969 đề cập đến sáu vấn đề lớn([1]), trong đó đoàn kết là nội dung có tính chất
xuyên suốt, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần (08 lần), từ lời dặn dò đầu tiên
cho đến lời mong muốn cuối cùng của Người. Trong lời
dặn đầu tiên “Trước hết, nói về Đảng”, Người khẳng định
đoàn
kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, là nguyên
nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và những thắng
lợi của cách mạng Việt Nam có được là do sự đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân
và toàn quân. Người nhấn mạnh: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ
giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay,
Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ
thắng lợi này đến thắng lợi khác”;
Người căn dặn: “Đoàn kếtlà một
truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương
đến các chi bộ cần phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con
ngươi của mắt mình”. Theo Người, để thực sự đoàn kết, thống nhất cần phải
thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng
ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự
phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và
thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí
yêu thương lẫn nhau. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán
bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí
công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh
đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Lời
cuối của Di chúc, Người thể hiện mong muốn tột cùng, mục đích sống và mục tiêu
phấn đấu suốt cuộc đời mình: “Điều mong
muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một
nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần
xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Như vậy có thể thấy, đoàn kết nói chung và đoàn kết trong Đảng nói riêng
không chỉ là mối quan tâm hàng đầu mà còn là sự trăn trở khi Người nghĩ về cả
mai sau. Xuyên suốt và nhấn mạnh nhiều lần trong Di chúc của Người,
đó là nhân tố đạo đức của Đảng khi trở thành đảng cầm quyền; bởi vì, Đảng cầm
quyền là bước chuyển trọng đại trong sinh hoạt Đảng, Đảng cầm quyền có sứ mạng
lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội mới - xã hội chủ nghĩa,
và để hoàn thành sứ mạng đó, Đảng ta phải thực sự “là đạo đức, là văn minh”, mỗi
một cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự
là công bộc của Nhân dân. Đạo đức cách mạng, theo Người, trước hết là: “Phải đặt
lợi ích của cách mạng, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải
kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân…”, thể hiện bằng những phẩm chất cụ thể:
Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư và có tinh thần quốc tế trong sáng.
Có thể thấy, vấn đề đoàn kết luôn được Chủ
tịch Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều lần, trong nhiều thời điểm, ở nhiều nơi, với sự
khẳng định mạnh mẽ; trong Lời kêu gọi ở Lễ mừng Quốc khánh ngày 02/9/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách
mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi.
Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc tới Nam đấu tranh thực hiện hòa bình,
thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”([2]).
Trong nhiều lời dạy và tác phẩm của Người, bằng các
cấp độ khẳng định, từ đoàn kết, thống
nhất trong Đảng, đến đoàn kết toàn dân và mở rộng phạm vi đoàn kết quốc tế, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã khái quát truyền thống của Dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn
năm lịch sử dựng nước và giữ nước; đồng thời tổng kết thực tiễn đấu tranh của
Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai câu nói nổi tiếng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại
thành công”([3]).
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, 53 năm qua, trong mọi hoàn cảnh, lúc cách mạng
phát triển thuận lợi, hay lúc khó khăn, thách thức trước những bước ngoặt của
lịch sử, Đảng ta đã luôn coi trọng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, lấy đó làm
cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng
hợp để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Điều này thể hiện rõ nét tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986),
kế thừa tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương
Đảng, khóa I (tháng 11/1939), trong phần nói về Đảng: “Phải thống nhất ý chí và hành động” và “sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng
buộc phải có ý chí giác ngộ của toàn thể đảng viên, chớ không phải nhắm mắt
phục tùng”([4]),
Đảng ta đã bổ sung và rút ra bốn bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học
về “Tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự
thống nhất ý chí và hành động trong Đảng”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam
khóa V, khóa VI đều khẳng định: “Đảng coi
việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị và
nguyên tắc tập trung dân chủ là sinh mệnh của Đảng, và kiên quyết đấu tranh
chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái trong Đảng”([5]).
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6-1996), Đảng ta tiếp tục
nhấn mạnh: “Đoàn kết thống nhất trong
Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của
cách mạng. Cán bộ, đảng viên giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ
sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình yêu thương đồng chí”([6]).
Tổng kết thực tiễn 80 năm lãnh đạo
sự nghiệp cách mạng, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh bài học kinh nghiệm: “Không
ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn
kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh
to lớn của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: Đoàn kết, đoàn
kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”([7]). Ngược lại, nếu những người nắm trọng trách lãnh đạo, nhất là ở cấp cao,
nếu không có ý thức “Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng
như giữ gìn con ngươi của mắt mình”thì không những gây nguy hại, mà còn tạo ra những nguy cơ lớn, khó lường
cho Đảng nói riêng, cho đất nước và cả dân tộc nói chung.
Ngày nay, bước vào thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế với những thời cơ, vận hội to
lớn, với nhiều tình huống diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đòi hỏi Đảng
ta càng phải có quyết tâm chính trị cao, giữ vững khối đoàn kết, thống nhất chặt
chẽ để vượt qua mọi khó khăn, thử thách; nhất là trước sự chống phá quyết liệt
của các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng
khó khăn, khuyết điểm để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta hòng kích
động, chia rẽ mối đoàn kết trong Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng
với Nhân dân. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nói trên, toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta cần phải tăng cường chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng; mà trực
tiếp, thường xuyên là tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn
với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh.Trong bối cảnh
như vậy, hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng càng phải được thể
hiện rõ, cần phải khắc sâu lời dạy về bài học đoàn kết trong Di chúc của Người,
để quy tụ, thúc đẩy, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn trong công cuộc đổi mới vì
mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
([1]) (1) Trước hết, nói về Đảng;
(2) Đoàn viên thanh niên; (3) Nhân dân lao động; (4) Cuộc kháng chiến chống Mỹ; (5) Về
phong trào cộng sản thế giới; (6) Về việc riêng.
([2]) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8,
tr.49.
([3])Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011,
t.10, tr.349.
([4]) Văn kiện Đảng toàn tập,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,
t.6, tr.555-556.
([5]) Văn kiên
Đảng đã dẫn, t.47, tr.585.
([6]) Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,1996, tr. 143-144.
([7])
Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát
triển năm 2011).