Từ năm 2019 đến nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy trên
địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát và tập trung xử lý. Tuy nhiên, tội phạm về
ma túy tại một số thời điểm diễn biến phức tạp, số vụ phát hiện giảm nhưng tính
chất phức tạp hơn, khối lượng ma túy thu giữ tăng so với những năm trước. Số vụ
phạm tội về ma túy phát hiện tập trung chủ yếu tại thành phố Pleiku (chiếm 76,7%), các huyện: Chư Sê, Ia
Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Păh và thị xã An Khê. Nguồn ma túy được thẩm lậu
từ các tuyến Cửa khẩu Bờ-Y, huyện Ngọc Hồi (tỉnh
Kon Tum), tuyến Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Đăk Lăk, Phú Yên; tuyến
các tỉnh, thành phố phía Bắc, như: Hà Nội, Nghệ An về tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Hoạt động mua, bán, sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng, đặc
biệt là ma túy đá, khay và thuốc lắc.
Phương thức, thủ đoạn của tội phạm thường xuyên thay đổi, ngày càng tinh
vi, xảo quyệt, có trường hợp sử dụng vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng;
các đối tượng liên lạc với nhau qua các dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng OTT (zalo, facebook, viber, telegram…) để
trao đổi việc mua, bán, sử dụng ma túy; đối tượng cầm đầu đều có tiền án, tiền
sự, hoạt động chuyên nghiệp. Tình trạng người sử dụng ma túy lợi dụng các cơ sở
kinh doanh có điều kiện, như: Karaoke, quán bar, nhà nghỉ, khách sạn, homestay…
để tổ chức, sử dụng trái phép ma túy có biểu hiện gia tăng, đặt ra nhiều khó
khăn, thách thức cho lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh.
Thời gian gần đây tái diễn tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy tại một số
địa phương.
Bên cạnh đó, tình trạng sử
dụng trái phép chất ma túy, tình hình người
nghiện ma túy có chiều hướng phức tạp. Đến ngày 15 tháng 6 năm 2022, trên
địa bàn tỉnh có 434 người nghiện ma túy, gồm: 299 người nghiện có hồ sơ, 135
người nghiện không có hồ sơ. Trong
đó, nam giới chiếm 93,32%, nữ giới chiếm 6,68%. Người nghiện trong độ tuổi
thanh thiếu niên (từ đủ 18 đến 30 tuổi)
chiếm đa số (63,8%)([1]).
Người nghiện hầu hết đang ở ngoài xã hội (chiếm
82,26%). Có 02 trường hợp bị loạn thần, loạn thần cấp “ngáo đá”. Tổng số người sử dụng trái phép chất
ma túy: 737 người, gồm: 349 người sử dụng có hồ sơ quản lý, 388 người sử dụng
không có hồ sơ. Trong đó, người Kinh
chiếm 86,8%, người dân tộc thiểu số chiếm 13,2%; nam giới chiếm 91,6%, nữ giới
chiếm 8,4%. Độ tuổi người sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu là thanh thiếu
niên (chiếm 58,3%). Loại ma túy sử
dụng hầu hết là ma túy tổng hợp (chiếm 84,67%).
Trong 737 người sử dụng trái phép chất ma túy, có 684 người đang ở ngoài xã hội
(chiếm 92,81%), 53 người đang ở trong
các cơ sở giam, giữ. Toàn tỉnh có 140/220 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma
túy; không có tụ điểm phức tạp nhưng có 02 điểm phức tạp về ma túy.
Trước
tình hình trên, lực lượng Công an thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác
phòng, chống ma túy, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, đặc biệt là Bộ
đội Biên phòng tỉnh triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh các
đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tập trung các
tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới; triệt xóa các điểm, tụ điểm về
mua, bán, sử dụng trái phép ma túy, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp về
an ninh trật tự. Phát hiện, bắt giữ 390 vụ/560 đối tượng phạm tội về ma túy; thu
giữ hơn 2,3 kg methamphetamine,
502 gram thuốc lắc, 1.066 gram ketamine, 275 gram hêrôin, 204 gram cỏ
Mỹ, 1.680 cây cần sa, 2.772 gram quả anh túc tươi, 16 khẩu súng, 08 quả
nổ, 173 viên đạn và nhiều tang vật khác; triệt xóa 85 điểm/356 đối tượng và 13
tụ điểm/302 đối tượng.
Ngoài
ra, phát hiện, xử lý 453 vụ/1.717 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, 12
trường hợp điều khiển phương tiện giao thông dương tính với ma túy; lập hồ sơ
đưa 249 người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Khởi tố 270 vụ/368 bị can phạm tội
về ma túy; xử phạt vi phạm hành chính 588 đối tượng với tổng số tiền
449.775.000 đồng; lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 243 đối
tượng; đưa 278 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ
đội Biên phòng tỉnh phát hiện, bắt giữ 05 vụ/09 đối tượng phạm tội về ma túy,
thu giữ hơn 69 gram methamphetamin, 13 viên thuốc lắc và một số tang vật khác; phối
hợp với lực lượng Công an bắt giữ 05 vụ/08 đối tượng phạm tội về ma túy (chiếm 1,26% tổng số vụ).
Công
tác truy tố, xét xử thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính
nghiêm minh, góp phần răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về ma
túy. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 352 vụ/500 bị can; Tòa án nhân dân
các cấp giải quyết 389 vụ án/525 bị cáo (gồm
352 vụ sơ thẩm, 37 vụ phúc thẩm), chủ yếu là tội tàng trữ, mua, bán trái
phép chất ma túy (chiếm hơn 90%).
Công tác kiểm soát các hoạt động
hợp pháp liên quan đến ma túy; công tác quản lý và kiểm soát tiền chất được quan
tâm. Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên
quan đến ma túy trên địa bàn tiếp tục duy trì hoạt động. Các sở, ngành: Y tế, Công Thương,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, Cục Quản
lý thị trường, Công an tỉnh... thường xuyên trao đổi thông tin về kiểm soát các
hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh; trong đó, Công an tỉnh
là cơ quan đầu mối, tập trung theo dõi việc sử dụng các chất gây nghiện, thuốc
hướng thần và tiền chất trong lĩnh vực y tế. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh
không có đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền
chất ma túy.
Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị, địa phương thường
xuyên chỉ đạo rà soát các diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên toàn tỉnh để kịp
thời phát hiện việc trồng cây có chứa chất ma túy; tuyên truyền, vận động người
dân không trồng cây có chứa chất ma túy gắn với việc triển khai các dự án phát
triển kinh tế, an sinh xã hội, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực
biên giới để từng bước loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Từ
năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 06 vụ/08 đối tượng trồng
cây có chứa chất ma túy, thu giữ 5.537 cây cần sa tươi. Đã khởi tố 02 vụ/04 bị
can; xử phạt hành chính 04 vụ/04 đối tượng, số tiền 7.000.000 đồng.
Thời gian tới, tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa
bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các đối tượng phạm tội về ma túy liên
kết chặt chẽ để tổ chức vận chuyển, mua, bán ma túy, sử dụng vũ khí và sẵn sàng
chống trả quyết liệt khi bị truy bắt. Người nghiện, sử dụng trái phép chất ma
túy ngày càng trẻ hóa, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp và các loại ma túy mới dần
thay thế các loại ma túy truyền thống như heroin, thuốc phiện, nguy cơ dẫn đến các
hành vi phạm tội do loạn thần, ảo giác còn hiện hữu. Do đó, trong thời gian
tới, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục về phòng, chống ma túy; thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền
có tính trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ nắm bắt, phù hợp với đặc điểm địa
bàn, đối tượng, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, lứa tuổi thanh
thiếu niên. Phát huy vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, các trang mạng xã hội
để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải
quan Gia Lai - Kon Tum chỉ đạo lực lượng chuyên trách triển khai đồng bộ các biện
pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh các đường
dây mua, bán, vận chuyển ma túy; triệt xóa các điểm, tụ điểm mua, bán, sử dụng
trái phép chất ma túy, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp.
([1])
Từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi: 01 người (chiếm 0,23%); từ đủ 18 đến dưới 30 tuổi:
277 người (chiếm 63,8%); từ đủ 30 tuổi trở lên: 156 người (chiếm 35,9%).