Theo đó Chỉ thị nêu
rõ: Trong thời gian qua, thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chuyên
ngành và quy định của pháp luật có liên quan, các hoạt động văn hóa nghệ thuật,
lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du
lịch đã từng bước đi vào nề nếp, đem lại nhiều giá trị tích cực, góp phần giáo
dục truyền thống, định hướng về thẩm mỹ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thụ
hưởng văn hóa tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là sau thời gian dài gián đoạn
do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phục
hồi, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng và phát triển văn hóa, con
người Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh
những kết quả đạt được, công tác quản lý, tổ chức một số hoạt động vẫn còn hạn
chế, bất cập, gây dư luận xấu trong xã hội, cụ thể như: biểu diễn nghệ thuật,
triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh tổ chức khi chưa được cấp phép, chấp thuận hoặc
thực hiện không đúng với nội dung đã được cấp phép, chấp thuận; các cuộc thi
người đẹp, người mẫu được tổ chức với số lượng lớn, có dấu hiệu lệch chuẩn;
hiện tượng vi phạm quy định về phổ biến phim, nhất là phổ biến phim trên không
gian mạng diễn ra khá phổ biến nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; một
số lễ hội chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa bảo đảm về nội dung; ở
một số nơi, vẫn còn tình trạng di sản bị xâm hại, xuống cấp, hoạt động bảo
quản, tu bổ, tôn tạo di tích chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hồ sơ
ghi danh di sản văn hóa phi vật thể chưa toàn diện, chặt chẽ; hiện tượng kinh
doanh dịch vụ lữ hành trái phép, trục lợi, chèo kéo, không niêm yết giá công
khai và không bán theo giá niêm yết cho khách du lịch vẫn còn diễn ra, đặc biệt
là vào các dịp cao điểm….
Nguyên nhân về thực
trạng trên, theo Chỉ thị, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là: nhận
thức về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm
khi thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương
chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà
nước thuộc Bộ với các địa phương còn hạn chế; công tác thẩm định, rà soát nội
dung trước khi cấp phép, chấp thuận tổ chức các hoạt động nghệ thuật, triển lãm
chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền pháp luật, thanh tra, kiểm tra, nắm bắt
tình hình thực tiễn chưa thường xuyên, việc xử lý đối với hành vi vi phạm chưa
mang tính răn đe cao.
Để tăng cường hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế nêu
trên, Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ,
Giám đốc Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du
lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Quán triệt, nâng cao nhận thức
về trách nhiệm quản lý nhà nước trong toàn cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác
tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt hệ thống pháp luật về quản lý chuyên
ngành; chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ; thường xuyên
theo dõi tình hình, xử lý tình huống, tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản
ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tăng cường kỷ luật, kỷ
cương hành chính trong thực thi công vụ; thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo phân
cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh; đẩy mạnh công tác đào tạo,
bồi dưỡng nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là kỹ năng giải quyết, xử lý
các công việc phức tạp, mang tính liên ngành.
Tăng cường sự phối hợp
với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong thực thi nhiệm vụ, chỉ đạo
và hướng dẫn hoạt động thông qua các hình thức trao đổi, đối thoại trực tiếp,
hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức hội nghị, giao ban chuyên đề theo định
kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất khi phát sinh khó khăn, vướng mắc.
Rà soát, thẩm định
chặt chẽ các hồ sơ cấp giấy phép, cấp văn bản chấp thuận, thỏa thuận và chịu
trách nhiệm về nội dung; đối với các hoạt động phức tạp, nhạy cảm cần phát huy
vai trò, sự tham gia của hội đồng thẩm định, hội đồng chuyên môn và các cơ quan
liên quan.
Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra, theo dõi tình hình thực thi pháp luật trong tổ chức các
hoạt động, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá
nhân có hành vi vi phạm./.