Hiện nay, Hội LHPN xã Ia Rmokcó trên 1000 hội viên,
trong đó trên 45% là hội viên người dân tộc thiểu số-tôn giáo. Với đặc thù vùng
đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thời
gian qua Hội LHPN xã Ia Rmok đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận
động, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, giảm nghèo bền
vững. Để có cơ sở cho hội viên hưởng ứng, hội tích cực vận động chị em xóa bỏ
các hủ tục lạc hậu, nhất là trong phát triển sản xuất. Triển khai tập huấn kiến
thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, tham quan mô hình kinh tế
tiêu biểu, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.
Trước đây, gia đình chị Kpa H'Pưih ở Buôn Gum chủ
yếu trồng lúa, quanh năm làm lụng vất vả nhưng cuộc sống luôn thiếu trước hụt
sau. Được sự vận động, hỗ trợ của cán bộ hội Phụ nữ xã, chị Kpa H'Pưihmạnh dạn
vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư, chuyển
đổi phương thức canh tác lạc hậu sang trồng mì, lúa nước. Nhờ chăm chỉ, chịu
khó học hỏi nên mô hình kinh tế của gia đình chị ngày càng phát triển. Đến nay,
gia đình chị có hơn 1 ha mì, 0,5ha lúa, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm mỗi
năm thu nhập gần 100 triệu đồng.
Chị Kpa H'Pưih phấn khởi cho biết: “Nhờ được vay
vốn ưu đãi và được cán bộ Hội LHPN xã hướng dẫn cách thức chăn nuôi và trồng
trọt khoa học, nên so với trồng lúa trước đây, cách làm ăn mới như hiện nay cho
thu nhập khá hơn và tăng qua các năm. Do đó, chúng tôi có thêm vốn để tiếp tục
mở rộng trồng trọt và chăn nuôi, có điều kiện đầu tư cho các con ăn học đầy đủ
và xây dựng nhà cửa khang trang hơn, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Cũng giống như chị Kpa H'Pưih, chị Ksor H’Nghier ở Buôn
Nông Siu trước đây có nguồn thu nhập chủ yếu từ việc làm thuê, làm mướn nên
chuyện thiếu ăn, thiếu mặc luôn xảy ra. Sau khi học tập các mô hình kinh tế mới
của chị em trong vùng, gia đình chị dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp
dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt như: xây dựng
chuồng trại chăn nuôi thêm bò, lợn; tận dụng diện tích đất sẵn có để đưa các
giống cây trồng cho năng suất, giá trị cao vào canh tác. Sau thời gian kiên trì
vừa làm, vừa học hỏi, mô hình kinh tế của chị bước đầu đem lại nguồn thu nhập
ổn định. Từ gần 1 ha mì cộng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm chị thu về
gần 50 triệu đồng.
Chị Ksor H’Nghier cho biết: “Nhờ được Hội LHPN xã
động viên, khuyến khích thay đổi cách thức làm ăn nên kinh tế gia đình tôi ngày
càng ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ học hỏi thêm các mô hình làm ăn hiệu
quả để mở rộng diện tích cây trồng, tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm. Đồng
thời mong muốn tiếp tục được các cấp hội phụ nữ giúp đỡ thêm về nguồn vốn vay
ưu đãi, cây giống, con giống và kiến thức sản xuất”.
Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rmok Nguyễn Thị Ly Na chia
sẻ: “Để giúp hội viên, phụ nữ ở địa phương có nguồn vốn phát triển sản xuất ổn
định, Hội giúp chị em tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời xây dựng các
mô hình tiết kiệm. Bên cạnh đó, Hội tích cực kêu gọi các nguồn xã hội hóa để hỗ
trợ chị em xây dựng mô hình sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ cây trồng, vật nuôi.
Cho đến nay, hội đã tín chấp thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện số vốn
gần 12 tỉ đồngcho 349 chị vay;duy trìhiệu quả các mô hình “3 trong 1”,“Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 đến 10 triệu đồng”,
quỹ xoay vòng vốn…để giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh
khó khăn có điều kiện vươn lên cải thiện cuộc sống.Nhờ đó, trong giai đoạn từ
2016 đến 2021, Hội LHPN xã đã giúp 207 trường hợp hội viên, Phụ nữ thoát nghèo,
góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 18,69%”.
Hiện phần đông hội viên phụ nữ trong xã có mô hình
nông nghiệp cho thu nhập ổn định. Các mô hình chủ yếu như trồng mì, thuốc lá,
lúa, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, rau màu…Trong đó, mô hình nhỏ và
vừa cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/ năm, mô hình khá cho thu nhập 70 - 80
triệu đồng/ năm. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình hội viên
ngày càng được nâng cao.
“Từ phong
trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nhiều phụ nữ
trong xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Thời gian tới, hội tiếp tục
triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong hội viên.
Trong đó, chú trọng đến việc hỗ trợ nâng cao kiến thức sản xuất theo phương
pháp khoa học, vận động chị em chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhất là đối với
diện tích đất đã bạc màu; vận động hội viên có mô hình khá hướng dẫn, giúp đỡ
cho các hộ hội viên nghèo để cùng làm ăn, thoát nghèo bền vững. Tăng cường kêu
gọi xã hội hóa hỗ trợ cây trồng vật nuôi, nhất là cho hộ hội viên khó khăn” - Chủ
tịch Hội LHPN xã Ia Rmok cho biết thêm.