Thương tiếc người lính nhà giàn hi sinh trên biển
Không phải thời chiến trận mới có mất mát hi sinh, mà ngay cả thời bình lặng im tiếng súng, máu vẫn đổ giữa lòng biển cả. Sự hi sinh của Thiếu tá Nguyễn Xuân Tài, nhân viên cơ điện ở nhà giàn DK1/18, thêm một lần nữa khẳng định, người lính nhà giàn luôn sẵn sàng hi sinh quên mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc giữa lúc “Biển Đông dậy sóng”.
Thi
thể Thiếu tá Tài được đưa vào xe lạnh, chuyển xuống bệnh viện Vũng Tàu,
rồi đưa
về an táng tại quê nhà. Ảnh: Mai Thắng.
Người dân
thôn Trung ngày đón anh về
Trưa ngày 8-9, hàng trăm người dân thôn Trung cùng
chính quyền địa phương xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh- Quảng Bình) có mặt tại nhà
chị Nguyễn Thị Hương Lan để đón thi thể Thiếu tá Nguyễn Xuân Tài đem về từ nhà
giàn DK1. Tất cả đều một tâm trạng buồn đau thương tiếc người lính nhà giàn trẻ
tuổi kiên cường, sống nghĩa tình với đồng đội, thân thiết với bà con chòm xóm,
hiếu thảo với bố mẹ nội ngoại hai bên gia đình.
Vợ thiếu tá
Tài- Chị Nguyễn Thị Hương Lan gào khóc: “Anh Tài ơi, đừng bỏ mẹ con em. Mới
tháng trước tiễn anh đi, anh bảo cuối năm sẽ về, vậy mà sao anh nỡ ra đi như
như thế. Mẹ con em biết sống thế nào khi thiếu anh”. Đứa con trai Nguyễn Xuân
Quang Vinh bám chặt tay vào linh cữu cha nghẹn ngào: “Ba ơi, đừng bỏ con, em và
con còn nhỏ, cần có ba bên cạnh”. Tất cả chúng tôi không cầm được nước mắt.
Đón thi thể Thiếu tá Nguyễn Xuân Tài về đất mẹ Quảng
Bình, có lãnh đạo chính quyền địa phương, hội phụ nữ, đoàn thanh niên trong xã
và hàng trăm người dân, bạn bè, gia quyến. Trước nỗi đau không gì bù đắp được,
lãnh đạo, chính quyền người dân xã Quảng Ninh đến thắp hương, phúng điếu chia
buồn.
Là người thân
của Thiếu tá Tài, chị Nguyễn Thị Mai nói trong xúc động: “Chú Tài hiền lắm. Bố
mẹ chú đã mất cả rồi. Cả năm ngoài biển xa nhà, mọi việc đều do vợ chú lo liệu.
Trước ngày đi, chú còn dặn thím Lan đi lần ni rồi xin công tác trong đất liền
để có thời gian chăm sóc gia đình. Thằng con sau mới có hai tuổi. Ai ngờ lại
nhanh rứa chứ”.
Anh Trần Văn Lai- người bạn học thân thiết của Thiếu
tá Tài đã một thời cùng khoác áo lính Hải quân. Nghe tin Tài hi sinh, Lai bắt
xe từ Quảng Trị tức tốc về viếng bạn. Lai nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Tài
ơi, mi đừng đi nhanh rứa. Tau với mi cùng chung làng, cùng đi bộ đội. Chừ mi đi
rồi tao buồn lắm. Tài ơi. Thôi hãy yên nghỉ nhé”…
Có đau thương mất mát nào hơn
Trước đó, lúc 19 giờ giờ 5-9 tại Quân cảng Lữ đoàn 171
Vùng 2 Hải quân (Vũng Tàu), hàng trăm cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn DK1, Lữ
đoàn 171 và người dân có mặt trên cầu cảng đón thi thể Thiếu tá Nguyễn Xuân Tài
được chở về từ nhà giàn DK1/18 theo tàu Trường Sa 04. Những người lính trẻ
khoác áo yếm, đeo găng tay trắng đứng bồng súng nghiêm trang dõi mắt về tàu.
Nhiều người mắt đỏ hoe khi nhìn thấy thi thể anh Tài gói gọn trong bao bảo quản
được các chiến sĩ tàu Trường Sa 04 chuyển từ lan can lên cầu cảng. Anh Nguyễn
Xuân Yền- anh trai của Thiếu tá Tài mắt đỏ hoe nghẹn khóc gào tên em trai trong
gió: “Tài ơi. Tài ơi, đừng bỏ anh. Vợ con em đang chờ đón em về”. Nhiều đồng
đội đi nhà giàn với anh mắt đỏ hoe không kìm được xúc động.
Thông tin ban đầu, tối 3-9, Thiếu tá Nguyễn Xuân Tài
đang thực hiện nhiệm vụ trên nhà giàn DK1/18 thì có biểu hiện mỏi mệt, rã mồ
hôi, mạch chân tay chậm và yếu dần. Thiếu tá Tài ngay sau đó được quân y nhà
giàn thực hiện cấp cứu, hồi sức tích cực tại chỗ, song sức khỏe mỗi lúc một
nguy kịch và anh đã đột ngột hi sinh lúc
20 giờ 45 phút. Trung tá Nguyễn Văn Hiền, chỉ huy trưởng nhà nhà giàn
DK1/18 cho biết: “Đồng chí Tài trước đó rất khỏe mạnh. Tình huống quá bất ngờ,
chúng tôi rất đau thương. Đồng chí Tài là người chịu khó và có bản lĩnh chính
trị rất tốt. Nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua của đơn vị”.
Tiễn đồng đội vào cõi vĩnh hằng, hạ sĩ Nguyễn Văn Lộc,
người “đồng cam cộng khổ” với Thiếu tá Tài suốt hơn 2 năm qua trên “pháo đài
thép” DK1/18 phân trần: “Anh Tài rất quan tâm đến anh em trong đơn vị. Ngoài
hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, anh còn tham gia các hoạt động phong
trào như biểu diễn văn nghệ, đá bóng. Anh Tài có biệt danh là “Tài đen” bởi da anh đen vì quanh năm phơi nắng nhà
giàn”.
Cựu binh Trung
tá Nguyễn Hữu Thuận- người đã “5 tăng” làm nhiệm vụ ngoài nhà giàn DK1 cùng
Thiếu tá Tài chia sẻ : “Hoàn cảnh gia đình đồng chí Tài ở quê nhà rất khó khăn.
Hai con còn nhỏ, bố mẹ mất sớm. Đồng chí Tài là quân nhân gương mẫu, luôn sẵn
sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và sống nhân ái với đồng
đội, có trách nhiệm với gia đình, vợ con ở quê nhà”.
Hành động đẹp sống mãi với thời gian
Thiếu tá Nguyễn Xuân Tài hi sinh, nhưng hành động cứu
đồng đội giữa biển khơi còn mãi với thời gian. Những ngày tháng ở nhà giàn DK1
được coi là thời gian “hoa lửa” của anh, và đó là quãng đời kiêu hãnh, vinh
quang và cống hiến nhiều nhất.
Thiếu tá Võ
Quang Thường- đồng đội cùng quê với anh kể lại. Tháng 12 năm 2014, khi ấy Thiếu
tá Tài công tác tại nhà giàn Quế Đường. Một lần tàu chở hàng từ đất liền ra đã
ba ngày song do sóng lớn nên không chuyển lên nhà giàn được, trong khi đó có 3
chiến sĩ thay quân đang bị “sóng nhồi” ở tàu. Đến ngày thứ tư sóng gió giảm
hơn, tàu quyết định chuyển hàng lên giàn bằng kéo dây, ba chiến sĩ mặc áo phao nhảy
xuống biển bám dây mồi bơi vào nhà giàn. Khi ba chiến sĩ bơi được 2/3 quãng
đường, thì bất ngờ cơn sóng lớn dập mạnh làm một chiến sĩ tay không bám vào dây
mồi được nữa, đúng lúc đó thì áo phao cũng tuột khỏi người. Chiến sĩ nọ chới
với giữa sóng xoáy. Từ trên sàn cập tàu, Thiếu tá Tài lao xuống biển, bơi nhanh
ra cứu và dìu vào sàn cập tàu. Cú lao từ trên cao xuống biển ấy Tài bị ép tim,
phổi nhẹ vì sức ép của sóng. “Đồng chí Tài luôn là người nhiệt tình trong công
việc. Bất kể việc gì đơn vị giao phó đều hoàn thành xuất sắc. Tài cũng là người
sống giàu lòng nhân ái, thường xuyên giúp đỡ đồng đội”, Thiếu tá Võ Quang
Thường kể lại.
Hậu phương người lính nhà giàn
Thiếu tá Nguyễn Xuân Tài sinh năm 1973, quê quán thôn
Trung xã Võ Ninh huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình. Sau thời gian huấn luyện tân
binh ỏ hải đội 834 Cục Hậu cần Hải Quân, anh đi học chuyên môn kỹ thuật ngành
cơ điện tại Trường Trung cấp Kỹ Thuật Hải quân ( nay là Trường Cao đẳng kỹ
thuật Hải quân) sau đó về tiểu đoàn DK1 nhận nhiệm vụ. 47 tuổi quân, 26 năm ở
nhà giàn DK1, tuy chưa phải là người ở nhà giàn lâu nhất so với đồng đội khác,
song anh có mặt hầu hết trên 15 nhà giàn DK1 với chức trách nhiệm vụ của nhân
viên cơ điện.
Nhiều năm đi
DK1, tích cóp tiền lương, anh Tài làm căn nhà nhỏ ở quê cho vợ và 2 con ở. Một
năm vào đất liền một lần, rồi nghỉ phép về quê thăm bố, mẹ, vợ, con. Với 30
ngày phép ngắn ngủi, anh chỉ kịp giúp vợ cuốc lại vườn rau sau nhà, chở con đi
học, thăm sức khoẻ và ăn cơm với nội ngoại đôi lần. Những ngày về thăm quê, Tài
động viên vợ cố gắng chăm sóc 2 con học hành để anh yên tâm làm nhiệm vụ.
Chị Nguyễn Thị Hương lan- vợ Tài hiện đang dạy học
trường tiểu học xã Quảng Ninh, con trai đầu Nguyễn Xuân Quang Vinh học lớp 10,
con trai út Nguyễn Quang Nhật mới hai tuổi
Trước khi hi sinh hơn một tháng, bữa cơm chia tay
trước ngày đi biển, niềm vui đong đầy nhưng khoé mắt người vợ trẻ cay cay. Bởi
sau bữa cơm đoàn viên ấy, Tài tạm biệt vợ con ra biển. Biển xa sóng gió, thiên
tai khốc liệt, sao lường trước được rủi ro. Mới ngày nào Tài về phép thăm vợ và
con trai chưa đầy 2 năm tuổi, vậy mà giờ anh đã vĩnh viễn ra đi. Dẫu vẫn hiểu
những người lính DK1 làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc chấp nhận gian khổ và
sẵn sàng hi sinh, song sự hi sinh giữa thời bình lặng yên tiếng súng đau hơn.
Thiếu tá Tài hi sinh cuốn sổ truyền thống của DK1 thêm một dòng mực đỏ. Chẳng
ai muốn cuốn sổ ấy thêm một dòng mực mới, song thiên tai hung dữ, sóng gió khó
lường, làm sao biết trước.
Thiếu
tá Nguyễn Xuân Tài hi sinh nỗi đau không kể xiết. Đối với những người lính DK1,
niềm đau thương sẽ vơi đi, nỗi buồn sẽ nhòa dần theo thời gian; song tinh thần
bám trụ kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió và ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo của
Tổ quốc được nhân lên gấp bội trong tim họ. Bởi các anh hiểu, để bảo vệ từng
sải sóng thiêng liêng trên thềm lục địa, các anh là những “cột mốc sống” kiên
cường giữa ngàn khơi.
|