Ngay từ
những năm tháng đầu tiên tham gia cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đã gắn
bó với lực lượng vũ trang. Vận dụng đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng và
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí luôn luôn sâu sát thực tiễn chiến trường, tổng
kết, đúc rút, đề ra những phương châm, phương pháp tác chiến phù hợp, qua đó
không ngừng trưởng thành trong thực tiễn chiến tranh cách mạng giải phóng dân
tộc và trở thành một nhà quân sự tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tài
thao lược của Đồng chí gắn liền với nhiều chiến công vang dội của quân và dân
ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong cao trào Xô
Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh
đạo Đội Tự vệ Đỏ đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Trên cương vị
Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu, Đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo phục hồi sau “khủng bố trắng” của thực dân Pháp (1933 -
1935) và tích cực tham gia các
hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong giai đoạn 1936 - 1939, xây dựng cơ sở và
lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, tạo
được tiếng vang lớn, góp phần lan tỏa, thúc đẩy phong trào đấu tranh của công
nhân ở nhiều địa phương trong cả nước.
Trong
giai đoạn 1937 - 1942,
đồng chí Chu Huy Mân nhiều lần bị địch bắt, giam cầm, đánh đập, tra tấn dã
man và đưa đến nhiều nhà lao, như: Vinh (Nghệ Tĩnh), Đắk Glei, Đắc Tô (Kon
Tum). Trong chốn lao tù, Đồng chí
luôn giữ vững khí tiết của
một người cộng sản kiên trung; tham
gia lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, biến nhà
tù thành trường học cách mạng.
Năm
1944, khi được cử vào Ban Việt Minh tỉnh Quảng Nam và là lãnh đạo nòng cốt, Đồng
chí có nhiều đóng góp cho việc tập hợp lực lượng, củng cố và phát triển phong
trào cách mạng trong toàn tỉnh, chuẩn bị lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa
giành chính quyền. Tháng 8/1945, Đồng chí đã
trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa của Nhân dân chiếm thành Quảng Nam, chỉ huy
lực lượng tự vệ vũ trang hỗ trợ cho các huyện, tham gia lãnh đạo Tổng
khởi nghĩa tại tỉnh Quảng Nam giành thắng lợi. Thắng
lợi của cuộc khởi nghĩa đã đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh khởi
nghĩa thành công sớm nhất trong cả nước, góp phần thúc đẩy Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 trên toàn quốc giành thắng lợi hoàn toàn. Chính
quyền Quảng Nam được thành lập, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư
Tỉnh ủy và được phân công làm Chính trị viên Chi đội (Tỉnh đội). Cuối năm 1945, Đồng chí được
Trung ương điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu C (gồm
4 tỉnh Bắc Trung Bộ) sau đó lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị quan
trọng của Quân đội và của Đảng, Nhà nước trên các mặt trận nóng bỏng, ác
liệt nhất ở cả trong nước và các nước bạn Lào, Trung Quốc.
Trong
Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn
72, Đồng chí đã phối hợp với chính
quyền tỉnh Bắc Kạn chủ động chuẩn bị về mọi mặt, tổ chức đánh địch nhiều trận
giành thắng lợi, góp phần buộc quân Pháp phải rút khỏi Bắc Kạn. Năm
1948, Đồng chí được cấp trên điều lên Cao Bằng giữ chức Trung đoàn trưởng Trung
đoàn 74 kiêm Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Đồng chí đã tập trung lãnh đạo đơn vị
vừa huấn luyện, vừa bảo đảm đời sống bộ đội, vừa sẵn sàng thực hiện các nhiệm
vụ chiến đấu.
Tháng 8/1949, đứng trước yêu
cầu của tình hình cách mạng mới, Bộ Tổng tư lệnh quyết định chọn lựa các trung
đoàn 74, 72 và 28, lấy 3 tiểu đoàn mạnh thành lập Trung đoàn 174 (Cao – Bắc –
Lạng). Đồng chí Chu Huy Mân được Bộ và Tổng Quân ủy chỉ định làm Chính trị Ủy
viên, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Sự ra đời của Trung đoàn 174 cùng các đơn vị
chủ lực khác đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta. Năm 1950, Đồng chí đã
chỉ huy Trung đoàn 174 tham gia đánh trận then chốt Đông Khê và giành thắng lợi
trong Chiến dịch Biên giới.
Ngày 01/5/1951, Đại đoàn 316
được thành lập. Đồng chí Chu Huy Mân được phân công giữ các chức vụ Phó Chính ủy,
Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn. Trên cương vị Phó Chính ủy,
Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, Đồng chí đã cùng tập thể
lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, từ Bắc Giang đến
Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, đánh thắng nhiều trận, tiêu biểu là tiến công cứ
điểm Đồi A1, cứ điểm C1, C2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong
kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng
ủy các trung đoàn 72, 74, 174; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đồng chí
Chu Huy Mân đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập
nhiều chiến công vẻ vang, góp phần làm nên những chiến thắng Việt Bắc – Thu
Đông (1947), chiến dịch Biên giới (1950), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954),… góp
phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tháng
5/1958, đồng chí Chu Huy Mân nhận quyết định về làm Chính ủy, Bí
thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
xây dựng Tây Bắc thành vùng căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và
cầu nối đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc Việt - Lào.
Quán
triệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân
vào thực tiễn chiến trường; với tài năng quân sự và nhãn quan chính trị sắc
sảo, Đồng chí luôn có những dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên
chiến trường để xác định cách đánh phù hợp. Đồng chí đã chỉ đạo lực lượng vũ
trang tích cực thực hiện phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh
chính trị, đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến
lược. Đồng chí luôn bám sát thực tế chiến trường để kịp thời hướng dẫn, chỉ thị
cho các đơn vị, các địa phương tăng cường phối hợp chiến đấu. Nghệ thuật quân
sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: chính trị
(đấu tranh chính trị, binh vận), quân sự (ba thứ quân) là một trong những phát
triển sáng tạo, độc đáo, nổi bật của chiến tranh cách mạng Việt N am và của
quân dân Khu 5, trong đó có sự đóng góp của đồng chí Chu Huy Mân.
Trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân
khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các
chiến lược, chiến thuật của địch. Khu 5 là
địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội, như Núi Thành, Vạn
Tường, Plei Me - Ia Đrăng. Khu 5 cũng là chiến trường Đồng chí đã tham gia chỉ
đạo xây dựng thành công “vành đai diệt Mỹ” - một hình thức đánh giặc độc đáo,
sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng
lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu
Thân (1968), bắc Bình Định (1972), chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)…, góp phần
cùng quân dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn
toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những
phát kiến độc đáo, mang tính đột phá chiến lược trong lãnh đạo xây dựng, phát
huy thế trận chiến tranh nhân dân, phát động toàn dân quyết tâm đánh giặc của
đồng chí Chu Huy Mân cùng các đồng chí trong Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5,
Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là những bài
học kinh nghiệm quý còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đất
nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục tham
gia công tác trong quân đội. Đồng chí Chu Huy Mân đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung
ương và Bộ Quốc phòng đề xuất với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều
chủ trương và quyết sách đúng đắn, đồng thời trực tiếp lãnh đạo thực hiện thắng
lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa,
chăm lo xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy và từng bước hiện
đại”.
Đồng
chí Chu Huy Mân đã tỏ rõ tài năng, sự sáng tạo đầy bản lĩnh với sự quyết đoán
cao của nhà lãnh đạo quân sự - chính trị toàn diện. Bên cạnh đó, Đồng chí đã
hoàn thành mọi nhiệm vụ quốc tế rất khó khăn, phức tạp mà Đảng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh tin tưởng giao cho. Thành công đó biểu thị tinh thần quốc tế trong
sáng của anh bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất cao quý của nhà chỉ huy quân sự - chính
trị xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với chín mươi ba
tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, đồng chí Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực, tài
năng cống
hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và Quân đội. Cả cuộc đời
hoạt động cách mạng của Đồng chí là một tấm gương sáng ngời, mẫu mực, tiêu
biểu về một lòng trung với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân
dân, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi
ích của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự lớn mạnh và
chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, có bản lĩnh kiên cường của người
chiến sĩ cộng sản trước mọi khó khăn, thử thách, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành,
khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Trải
qua quá trình hoạt động cách mạng và giữ nhiều cương vị khác nhau, năm 1958, Đồng chí được phong
quân hàm Thiếu tướng; thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng năm
1974; Ðại tướng năm 1980. Với công lao và thành
tích hoạt động cách mạng, Đồng chí được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân
chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng cùng nhiều
huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và các
nước bạn.
Kỷ niệm 110 năm Ngày
sinh của đồng chí Chu Huy Mân chúng ta cùng ôn lại quá
trình hoạt động cách mạng của Đồng chí nhằm tôn vinh, tri ân những cống
hiến to lớn của đồng chí Chu Huy Mân với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của
Đảng, dân tộc và Quân đội nhân dân; qua đó tiếp tục giáo dục lòng yêu nước, yêu
chủ nghĩa xã hội, truyền thống cách mạng, lịch sử, tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, ý chí khát vọng sống, cống hiến vì Tổ quốc, vì Nhân dân cho đồng
bào, đồng chí, nhất là thế hệ trẻ.