Năm 1927, khi mới 17 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào yêu nước của
thanh niên, học sinh thành phố Vinh, đấu tranh chống ách thống trị của thực dân
và phong kiến. Năm 1928, đồng chí tham gia hoạt động và được kết nạp vào Hội
Hưng Nam (sau đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng – một trong ba tổ chức tiền
thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), sau đó đồng chí được tổ chức điều vào Sài Gòn
hoạt động, bị thực dân Pháp bắt, kết án 18 tháng tù, sau đó bị trục xuất về
nguyên quán.
Năm 1930, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tham gia Đảng cộng sản Đông Dương
và tiếp tục hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Từ tháng 5/1930 đến tháng
5/1931, cao trào Xô Viết phát triển mạnh tại huyện Nghi Lộc, thực dân Pháp tăng
cường bắt bớ, truy lùng, hàng trăm chiến sĩ yêu nước bị giết hại, hàng chục
ngôi làng bị triệt phá. Ngày 139/1931, cơ quan huyện ủy Nghị Lộc bị bao vây, một
số cán bộ Xứ ủy, Huyện ủy bị địch bắt, các tổ chức Đảng bị tổn thất nặng nề.
Trước tình thế đó, đồng chí Nguyễn Duy Trinh chủ động móc nối với một số đồng
chí may mắn thoát khỏi khủng bố. Sau khi chủ trì lập ra Ban cán sự Huyện ủy để
khôi phục và phát triển phong trào tại Nghi Lộc từ trong máu lửa, đồng chí được
bầu làm Bí thư huyện ủy Nghi Lộc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng tại
quê nhà, nhưng khi phong trào vừa nhóm lên thì thực dân Pháp tiếp tục khủng bố.
Cuối năm 1931, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị địch bắt, đầu năm 1932, đồng chí bị
tòa án thực dân kết án 13 năm khổ sai và lần lượt bị đày đi nhiều nhà tù khét
tiếng của chủ nghĩa thực dân, như: Nhà lao Vinh, Buôn Ma Thuột, Ngục Kon Tum,
Nhà tù Côn Đảo. Nêu cao khí tiết của người cộng sản, đồng chí Nguyễn Duy Trinh
đã coi nhà tù thực dân là trận tuyến mới, đồng chí đã tập hợp bạn tù đấu tranh
để giảm bớt chế độ hà khắc của lao tù. Đặc biệt, năm 1941, vì bị cho là phần tử
nguy hiểm nên chính quyền thực dân đã tiếp tục đày đồng chí đến ngục Kon Tum.
Tháng 5/1945, sau khi ra tù, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tham gia vận động
khởi nghĩa ở Vinh và ở Huế. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí
Nguyễn Duy Trinh được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ kiêm chức Phó
Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ.
Trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, đồng chí được phân
công làm Bí thư Khu ủy Liên Khu V, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính
Nam Trung Bộ. Trên cương vị của mình, đồng chí đã cùng Xứ ủy lãnh đạo kháng chiến,
xây dựng căn cứ địa, vùng tự do, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Trung Bộ.
Tháng 02/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng
chí Nguyễn Duy Trinh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt
Nam. Năm 1954, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được phân công làm Chánh Văn phòng
Trung ương Đảng.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, năm 1955, đồng chí Nguyễn
Duy Trinh được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1956, đồng chí được bầu
làm Ủy viên Bộ Chính trị và được phân công giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Đến
tháng 12/1958, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban kế
hoạch Nhà nước. Trên các cương vị công tác, đồng chí đã tham mưu cho Đảng, Nhà
nước nhiều nội dung quan trọng trong lãnh đạo về chính trị, kinh tế, văn hóa,
xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...giúp Trung ương hoạch định những chủ
trương, đường lối, chính sách phù hợp
trong điều kiện đất nước còn chia cắt hai miền, thực hiện xây dựng, cải tạo xã
hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), đồng
chí Nguyễn Duy Trinh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị,
được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước,
sau đó kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (1963-1964). Trên các cương vị
lãnh đạo, đồng chí đã đóng góp quan trọng vào việc hoạch định đường lối phát
triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành
hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Tháng 4/1965, trước yêu cầu mới của cách mạng, đây là thời kỳ cam go nhất
khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam đánh phá miền Bắc. Với kiến thức uyên bác, điềm
đàm, chín chắn, bản lĩnh, quyết đoán và giỏi nhiều ngoại ngữ, đồng chí Nguyễn
Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị yêu cầu kiêm chức Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng
Nguyễn Duy Trinh, ngoại giao đã trở thành một trong ba mặt trận, kết hợp linh
hoạt, nhuần nhuyễn với đấu tranh chính trị và quân sự, thể hiện xuất sắc nghệ
thuật “vừa đánh – vừa đàm” của nền ngoại giao Việt Nam.
Đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh cho cách mạng trên cương
vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là thành công của quá trình đàm phán Pari giữa Mỹ và
Việt Nam. Từ tháng 5/1968 đến tháng 01/1973, sau gần 5 năm đấu trí với hơn 200
phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng
vấn, đàm phán 4 bên kết thúc bằng việc ký kết chính thức Hiệp định Pari về chấm
dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973. Hiệp định Pari là
chiến thắng của một nền ngoại giao cách mạng, buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt
Nam, làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng, tạo điều kiện thuận lợi để quân và
dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp
giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV
của Đảng năm 1976, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp
hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V
của Đảng năm 1982, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và
được cử giữ chức Thường trực Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội của
Trung ương Đảng, tham gia xây dựng những luận cứ khoa học quan trọng cho công
cuộc đổi mới của đất nước.
Bước ra từ cuộc chiến với nhiều vết thương trên tất cả các lĩnh vực,
ngành ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của
đồng chí Nguyễn Duy Trinh, dù phải đối mặt với hàng vạn khó khăn, Việt Nam cũng
đã gặt hái được nhiều thành tựu trên mặt trận ngoại giao. Ngày 21/7/1977, đồng
chí Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại
Trụ sở Liên Hiệp quốc và cũng chính đồng chí đã kiến tạo các chuyến thăm của
lãnh đạo nước ta với các nước trong khu vực để Việt Nam trở thành thành viên của
ASEAN. Đặc biệt là sự kiện chính thức trở thành thành viên của Liên Hiệp quốc ngày
20/9/1977, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại
diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này.
Ngày 20/4/1985 đồng chí Nguyễn Duy Trinh từ trần tại Hà Nội trong sự tiếc
thương của Đảng và hàng triệu người dân Việt Nam. Với 76 tuổi đời, 57 năm tuổi
Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh thuộc lớp cán bộ tiền bối cách mạng với gần 60
năm liên tục cống hiến cho Tổ quốc. Với những công lao to lớn đó, đồng chí Nguyễn
Duy Trinh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Huân chương
Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
“Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà
nước, người học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương
chiến đấu và phẩm chất cách mạng, đức tính khiêm tốn và tình thương yêu chân
thành đối với đồng chí, đồng bào của Anh đã để lại cho chúng ta nhiều tình cảm
tốt đẹp và sâu sắc”[1]- Đại tướng Võ Nguyên Giáp
từng viết về nhà ngoại giao tài ba của Đảng, Nhà nước như vậy.
Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, hết
lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đồng chí Nguyễn Duy Trinh là
người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao xuất sắc, là tấm
gương sáng ngời về ý chí cách mạng, tinh thần vượt khó, sẵn sàng chiến đấu hy
sinh vì lý tưởng của Đảng, vì tương lại tươi sáng của đất nước cho các thế hệ
hôm nay và mai sau học tập, noi theo./.
[1] Trích theo Nguyễn Duy Trinh, Hồi
ký và tác phẩm, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.105.