Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hoạt động cách mạng trên đất nước Thái Lan giai đoạn 1928-1929
Sau nhiều năm bôn ba ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc; trên hành trình trở về Tổ quốc thân yêu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một khoảng thời gian hoạt động tại Thái Lan. Tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng hình ảnh của Người đã để lại dấu ấn không phai mờ đối với Nhân dân Thái Lan, nhất là đối với bà con Việt kiều.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ
Chí Minh tại làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Uđon Thani
(Vương quốc Thái Lan). Ảnh:
Tư liệu
Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày
18/02/1930, Nguyễn Ái Quốc
đã viết: “Nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về công tác
ở Đông Dương, tôi từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm vào tháng 7/1928. Tôi đã làm việc với
một số người An Nam di cư ở đấy tới tháng 11/1929”[1].
Như vậy, trên hành trình trở về Tổ quốc
Việt Nam thân yêu, Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc và sau này là Chủ tịch Hồ
Chí Minh kính yêu của chúng ta đã có thời gian hơn 1 năm hoạt động tại Xiêm
(Thái Lan ngày nay).
Bản Mạy thuộc tỉnh Nakhon Phanom là địa
danh đã được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn để sống và hoạt động trong sự đùm bọc che
trở của bà con Việt kiều sinh sống tại đây. Mọi người đều gọi Nguyễn Ái Quốc
với bí danh thân mật là Thầu Chín. Để bảo đảm bí mật và tránh mọi sự theo dõi
của mật thám Pháp và chính quyền sở tại, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là một
người An Nam di cư sang Xiêm, hàng ngày hòa mình vào với cuộc sống, sinh hoạt
như những người dân trong vùng.
Trong
thời gian hoạt động ở Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tuyên truyền, vận
động, gây dựng cơ sở cách mạng và gây ảnh hưởng về trong nước. Tại đây, Người
đã mở các lớp huấn luyện ngắn hạn cho các hội viên chi bộ Việt Nam Cách mạng
Thanh niên; chọn dịch một số sách sang tiếng Việt; chỉ đạo xuất bản báo để
tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ tinh thần yêu nước của Việt kiều; chỉ đạo mở
trường dạy học cho con em Việt kiều...
Đến
cuối năm 1927, đầu năm 1928, tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên được mở
rộng, ngoài chi bộ Phi Chịt ra, còn có thêm các chi bộ ở Uđon Thani, Sakon
Nakhon, Nakhon Phanom. Ba chi bộ ở miền
Đông Bắc nước Thái này được tổ chức thành Tỉnh bộ Uđon. Nhờ vậy, mà tổ chức
Việt kiều ở Thái được lãnh đạo chặt chẽ, hoạt động có nề nếp, tích cực hơn.
Đóng vai trò như trạm trung chuyển giữa Quảng Châu (Trung Quốc) về trong nước.
Dưới
sự lãnh đạo của các chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Việt kiều ở Xiêm được
tổ chức theo hai hình thức chủ yếu đó là Hội Hợp tác và Hội Thân ái.
Hội
Hợp tác là một tổ chức trung kiên của kiều bào, đồng thời là một tổ chức dự bị
của Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội kết nạp những thanh niên yêu nước có chí
hướng cách mạng từ trong nước mới ra. Hội Hợp tác chuyên làm kinh tế, tổ chức
lao động làm ăn tập thể để sinh sống và học tập. Những thanh niên có nhận thức
chính trị khá thì được đưa vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Khi có
điều kiện thì lần lượt đưa sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị hoặc
phái về trong nước hoạt động.
Hội
Thân ái, là một tổ chức quần chúng rộng rãi của Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Hội được thành lập nhằm mục đích: “Đoàn kết giữa Việt kiều
với nhau và đoàn kết giữa người Việt với người Thái; nhắc nhở kiều bào yêu Tổ
quốc và giúp kiều bào học chữ quốc ngữ”. Hội Thân ái là một tổ chức
có tính chất mặt trận. Các hội viên luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng,
tích cực hoạt động cho Hội.
Ngoài
hai tổ chức trên, ở các địa phương còn có Hội Phụ nữ, Hội Thiếu niên. Chỗ nào
có trường học là các em học sinh được tổ chức vào Hội Thiếu niên, để rèn luyện
các em thói quen sinh hoạt tập thể, nếp sống ngăn nắp; tự quản lý sinh hoạt và
học tập của mình.
Để Việt kiều ở Xiêm, kể cả người lớn và trẻ em
biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, không quên tiếng mẹ đẻ, không quên cội nguồn
dân tộc, giác ngộ lòng yêu nước, giác ngộ cách mạng; thanh niên có trình độ văn
hóa nhất định, dựa vào pháp luật của Nhà nước Xiêm, Nguyễn Ái Quốc đã phát động
một phong trào học tiếng Việt và học tiếng Thái trong Việt kiều. Khi được Chính
phủ Xiêm chấp nhận cho xây dựng trường học, Nguyễn Ái Quốc đã cùng bà con Việt
kiều tham gia xây dựng trường và xin làm giáo viên dạy chữ quốc ngữ cho các em.
Các trường học này có ảnh hưởng rất lớn trong Việt kiều, không những con em của
Việt kiều, mà cả con em của người Thái cũng đến trường học ngày càng đông.
Ngoài
việc dạy chữ quốc ngữ cho trẻ em, Nguyễn Ái Quốc còn vận động những người lớn
tuổi trong Hội Hợp tác, Hội Thân ái, ngoài giờ làm việc, đi học chữ quốc ngữ và
học chữ Thái, tiếng Thái. Một phong trào học tập sôi nổi diễn ra trong Việt
kiều. Bản thân Nguyễn Ái Quốc cũng rất tích cực học tiếng Xiêm, chỉ trong ba tháng, Người đã đọc được báo
Xiêm và trong 4 tháng, Người đã sử dụng thành thạo tiếng Xiêm.
Thông
qua việc học tập, một mặt vừa giúp ích cho bà con buôn bán được thuận lợi, một
mặt vừa hòa nhập đoàn kết với đồng bào Xiêm. Bà con Việt kiều vui vẻ phấn khởi
hơn, tích cực học tập và làm ăn hơn.
Ngoài
việc phát động phong trào học tập, Nguyễn Ái Quốc còn vận động, giáo dục bà con
Việt kiều xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, những thói
hư, tật xấu trong sinh hoạt, từng bước xây dựng lối sống mới trong cộng đồng
người Việt.
Để
nâng cao đời sống cho bà con Việt kiều, nhất là về mặt sức khỏe, Nguyễn Ái Quốc
đã khuyên Hội Hợp tác lập tủ thuốc và chọn người biết làm nghề thuốc làm thầy
lang để chữa bệnh cho kiều bào. Người cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người phải
chú ý giữ gìn sức khỏe, thường xuyên luyện tập thể dục, chớ ngủ trưa quá trễ,
chớ uống rượu quá nhiều; nhà cửa phải sạch sẽ, ngăn nắp...
Nguyễn
Ái Quốc còn dành thời gian đi thăm hỏi các nhà sư Việt kiều trụ trì ở các chùa,
họ là những người của phong trào Cần Vương, Duy Tân còn sót lại, như chùa
Oátphô (ở thị xã Uđon Thani), chùa Bản Chính (Uđon Thani); chùa Hội Khánh (chùa
Mongkhol Samalkhol); chùa ông Năm (chùa Somsanam (Borihara) ở phố Lan Luông
(Băng Cốc)... Nguyễn Ái Quốc đã được các nhà sư che chở, giúp đỡ gặp khi nguy
hiểm quá thì tạm lánh vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt
động.
Để
có điều kiện tuyên truyền cách mạng trong Việt kiều, dựa vào pháp luật của
Chính phủ Thái Lan lúc bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc đã dùng hình thức hợp pháp và
nửa hợp pháp để tiến hành tuyên truyền, giáo dục Việt kiều.
Pháp
luật của Chính phủ Xiêm lúc đó quy định chỉ những nhà in, những tòa báo lớn có
tính chất kinh doanh mới phải đăng ký và cũng không có chế độ kiểm duyệt. Còn
những ấn phẩm có tính quảng cáo, phát hành không lấy tiền, in thô sơ (in thạch,
in litô, giấy chỉ dầu) đều không phải đăng ký. Dựa vào tính hợp pháp đó, năm
1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Xiêm đã xuất bản một tờ báo bằng
tiếng Việt lấy tên là Đồng Thanh.
Khi
Nguyễn Ái Quốc đến Xiêm năm 1928, Người đã đổi tên báo Đồng Thanh
thành Thân Ái, Người đã yêu cầu sử dụng một
thứ ngôn ngữ rõ ràng, sao cho ngắn gọn và dễ hiểu cho các bài báo, tuyên truyền
rộng rãi đến mức cụ thể. Báo Thân Ái
xuất bản gửi đi các địa phương có Việt kiều sinh sống. Được phổ biến rộng rãi
trong Việt kiều, có tác dụng giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh,
thiếu niên Việt kiều. Báo Thân Ái cũng là một bằng chứng về mối quan hệ lân
bang và hữu hảo giữa hai dân tộc Việt - Thái trong những năm tháng mà dân tộc
Việt Nam đang hướng tới con đường giải phóng dân tộc; nó khơi nguồn cho tình
hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Thái trong lịch sử hiện đại.
Với
sự hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc, phong trào yêu nước của Việt kiều ở
Thái Lan có nhiều chuyển biến mới, tích cực: Các tổ chức cách mạng được củng cố
và phát triển; tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước được tăng cường; trình độ
của cán bộ và bà con Việt Kiều được nâng lên... Những hoạt động cách mạng của
Nguyễn Ái Quốc đã có ảnh hưởng tốt về trong nước. Chính trong khoảng thời gian
ngắn ngủi này, Người đã có điều kiện tìm hiểu thêm cuộc sống của người dân xa
xứ. Phải chăng những gì tận mắt thấy, tai nghe về hoàn cảnh của những người dân
lao động đã thôi thúc Người trở về Tổ Quốc nhanh hơn để lãnh đạo Nhân dân đứng
lên giành chính quyền./.
|