Nhiệm vụ, giải pháp công tác phòng thủ dân sự năm 2023
Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, cơ quan phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp từ Trung ương tới địa phương đã theo dõi sát tình hình, tập trung chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm, triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh kịp thời.
Các lực lượng chức năng, nhất là
lực lượng quân đội, công an, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên trách, kiêm
nhiệm đã phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục sự
cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Đã huy động hàng trăm nghìn lượt
cán bộ, chiến sỹ, gần 22.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên
tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; xử lý hiệu quả 5.378 vụ, cứu được 5.385 người
và 342 phương tiện; hướng dẫn hơn 480.000 lượt tàu thuyền với gần 2,3 triệu lượt
người di chuyển tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, tổ chức di dời trên 32.000 hộ
dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Qua đó đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, nhất
là thiệt hại về người, không để người dân bị thiếu đói, khát, bùng phát dịch bệnh,
đồng thời nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, công
tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn vẫn
còn một số tồn tại, hạn chế: Dự báo, tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến
thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường; nhiều loại dịch bệnh, trong đó có những
dịch bệnh mới xuất hiện như đậu mùa khỉ và dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nguy
cơ bùng phát, chuyển hóa nhanh sang các dạng khác nhau, nhiều thách thức đang đặt
ra cho công tác phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thời gian tới, cần tiếp tục quán
triệt, triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên
quan đến công tác phòng thủ dân sự, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày
30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp
theo; Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 01/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình
hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị đảm bảo
thực chất, hiệu quả.
Phát huy vai
trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội,
đoàn thể và Nhân dân trong phòng thủ dân sự, trong đó hoạt động phòng thủ dân sự
phải dựa vào dân, dân làm gốc. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh
vực phòng thủ dân sự trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc,
tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tuân thủ các điều ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên. Chiến lược Phòng thủ dân sự phải gắn với chiến lược,
quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng, miền, ngành, địa phương;
công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị cho thực
hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự phải chú trọng tính lưỡng dụng, có thể sử dụng
cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực; đồng thời sẵn
sàng đáp ứng nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống. Xây dựng lực lượng
chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.
Tiếp tục
nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Phòng thủ dân sự; xây dựng các văn bản quy định
chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự; xây dựng Chiến lược quốc gia
phòng thủ dân sự. Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức cơ quan chỉ huy phòng thủ
dân sự, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các cấp; xây dựng lực lượng
chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; tăng cường
cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu, đáp ứng
yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả; đôn đốc, hướng dẫn các bộ,
ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch
ứng phó với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phòng thủ dân sự
năm 2023 sát với thực tiễn. Chủ động, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng thủ dân
sự, tìm kiếm cứu nạn, nhất là ứng phó với sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn
trên biển với các nước trong khu vực và trên thế giới; tranh thủ sự ủng hộ, hỗ
trợ về vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của các nước, bạn bè quốc tế, nhất là
các nước lớn có tiềm lực phục vụ công tác phòng thủ dân sự…
|