Ảnh: Lâm Bình.
Ngay sau khi Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 22 tháng 8 năm 2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch
số 38-KH/TU về nghiên cứu, quán triệt tuyên truyền và tổ chức thực hiện các Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 7 và Nghị quyết 23-NQ/TW. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết 23-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng
Chương trình hành động số 46-CTr/TU, ngày 27/10/2008 về thực hiện
Nghị quyết 23-NQ/TW, xác định rõ mục tiêu là “nâng cao nhận thức cho cán
bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật trước yêu
cầu hiện nay; xác định văn học, nghệ thuật là một trong những động lực to lớn
trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển con
người Việt Nam nói chung và của cộng đồng các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng.
Nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của
các cấp chính quyền, công tác tham mưu của các cơ quan chức năng đối với văn
học, nghệ thuật, đảm bảo yêu cầu phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh trong
thời kỳ mới”. Trên cớ sở đó, các cấp ủy đã tổ chức học tập, quán triệt, triển
khai thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc cho cán bộ đảng viên, văn nghệ
sĩ, các cơ quan hoạt động văn học nghệ thuật và báo chí của địa phương, đoàn
viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Các cấp ủy trong toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và
tổ chức được 329 lớp, với 27.897 người tham gia học tập, quán triệt. Qua đó, bước đầu đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của
các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đội ngũ sáng
tác văn học, nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân, nhất
là đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn
tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật, nhận thức đúng
hơn về tình hình văn học, nghệ thuật của đất nước, của tỉnh, thống nhất đối với
các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, xác định được trách nhiệm trong lãnh đạo,
quản lý và tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng.
Những thành tựu đạt được
trong lĩnh vực văn học nghệ thuật
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình số
46-CTr/TU, hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến
tích cực, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán
bộ quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện cho các câu lạc bộ văn học,
nghệ thuật, thơ ca và người dân tham gia sáng tác, đáp ứng đời sống tinh thần
lành mạnh cho nhân dân thường
xuyên được chú trọng. Quan tâm, khuyến khích văn nghệ sĩ, trí thức, quần chúng
nhân dân sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh chân thực đời sống
xã hội, các phong trào thi đua lao động, học tập, sản xuất; tổ chức nhiều hoạt
động văn hóa, văn nghệ sôi nổi đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao
của nhân dân. Đồng thời, tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong
văn học, nghệ thuật, sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; phê phán
khuynh hướng sáng tác văn học, nghệ thuật trái với đường lối văn nghệ của Đảng,
xa rời hiện thực, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn học, nghệ
thuật của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh được
các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm. Trong 15 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đã tổ
chức gần 300 cuộc thi diễn tấu cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống. Một số di tích văn hóa được bảo tồn, tôn tạo đánh
giá, xếp hạng. Hiện nay, tỉnh Gia Lai có 13 di tích cấp tỉnh; 14 di tích được xếp
hạng cấp quốc gia, 02 di tích quốc gia đặc biệt. Việc sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể của
các dân tộc đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, dạy
tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Bahnar và Jrai và bồi dưỡng đội ngũ
nghệ nhân chỉnh chiêng được thực hiện thường xuyên.
Hoạt động sáng tác, quảng bá trên từng lĩnh vực
như văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian trên địa bàn
tỉnh đạt nhiều kết quả. Nhiều
tác phẩm văn học, nghệ thuật không những có giá trị về mặt nội dung, tư tưởng
và tính nghệ thuật, mà còn có giá trị về mặt quy mô thể loại, đánh dấu một bước
phát triển vượt bậc của phong trào văn học, nghệ thuật Gia Lai. Các tác phẩm
sáng tác văn học, nghệ thuật và công trình sưu tầm, nghiên cứu xuất hiện ngày càng nhiều. Một số tác phẩm sáng tác trên các
lĩnh vực như văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, điêu khắc... đạt giải cao trong nước
và khu vực; đặc biệt, lĩnh vực nhiếp ảnh đã đạt nhiều giải cao quốc tế, riêng
năm 2022, nhiếp ảnh đạt 69 giải thưởng từ các cuộc thi, triển lãm khu vực và quốc
tế. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã góp phần định hướng các giá trị
chân, thiện, mỹ trong xã hội, đáp ứng một phần nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ
đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh ngày càng trưởng thành hơn về nghề nghiệp,
ý thức chính trị và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Công tác
xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển
mạnh mẽ nền văn học, nghệ thuật trong tình hình mới luôn được tỉnh quan tâm. Năm 2008, số lượng
hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh là 90 hội viên, đến nay đã tăng lên 190
hội viên, với 07 chi hội (gồm: Âm nhạc, Múa,
Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học, Văn nghệ dân gian). Chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng được nâng cao cả về trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ lẫn trình độ lý luận chính trị cũng như năng lực hoạt động và
sáng tạo.
Ngoài ra, tỉnh đã luôn tạo điều
kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ được tham gia giao lưu hợp tác văn hóa, văn học,
nghệ thuật với các nước trong khu vực và thế giới. Năm 2010 và năm 2022,
Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San cử các nghệ sĩ tham biểu diễn tại Trung Quốc
và Hàn Quốc; một số họa sĩ của Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh tham gia triển lãm tranh
sơn dầu tại Trung Quốc (năm 2015), Nhật
Bản (năm 2016, năm 2019), Nga (năm 2018); các nghệ sĩ nhiếp ảnh của tỉnh
đã gửi ảnh tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế... Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh tổ chức
nhiều sự kiện như: Giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa tỉnh Gia Lai và Nhật Bản,
trong khuôn khổ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 -
24/5/2022); triển lãm ảnh Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại
giao Việt Nam - Campuchia.
Công tác xây dựng và phát triển văn nghệ quần chúng
được cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền các cấp thực hiện với
nhiều biện pháp và các hoạt động cụ thể, như hội thi, hội diễn, liên
hoan văn nghệ quần chúng, liên hoan cồng chiêng, giao lưu văn hóa, văn nghệ... đã
thu hút đông đảo người dân tham gia.
Qua đó, đã thúc đẩy phong trào văn nghệ quần
chúng phát triển; hình thành nhiều nhóm ca nhạc, đội văn nghệ quần chúng, đội cồng
chiêng... tạo sự phong phú, đa dạng trong hoạt động biểu diễn và thưởng
thức văn nghệ trong quần chúng nhân dân. Các hội diễn nghệ thuật quần chúng và
hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số được các địa phương duy trì tổ chức
thường xuyên, định kỳ; nhờ vậy, nhiều loại hình văn học, nghệ thuật trong dân gian
được khuyến khích lưu truyền, nhiều nhân tố mới trong phong trào văn hóa, văn
nghệ và các nghệ nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số được phát hiện, tạo
nguồn kế cận cho phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
Tuy nhiên, việc đầu tư cho sự nghiệp văn hóa nói chung và
văn học, nghệ thuật nói riêng những năm gần đây có tăng nhưng còn thấp so với
yêu cầu; công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phát
triển chậm, chưa theo kịp
trào lưu sáng tác; công tác đào tạo, bồi dưỡng
đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền quảng bá, giới
thiệu, phát hành tác phẩm còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp cho đầu ra tác
phẩm văn học, nghệ thuật của các tác giả trong tỉnh...