TRANG NHẤT > THỜI SỰ
Cập nhật 16/05/2023 (GMT+7)

Sự kiện vụ thảm sát làng Bak - hơn 60 năm nhìn lại

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã E5 (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) nói chung, làng Bak (Bạc) nói riêng được coi là “bức tường thép” của ta. Trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, dân làng Bak vẫn kiên cường, một lòng theo Đảng, theo Cách mạng, quyết tâm bảo vệ quê hương.


Ảnh: Lê Tuyền.


Bối cảnh lịch sử

Phong trào Đồng khởi (1960) của quân và dân ta giành thắng lợi, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam lên một bước phát triển mới làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của địch. Để đối phó với phong trào cách mạng, từ đầu những năm 1960, Mỹ - ngụy tiến hành càn quét và gom dân, lập ấp chiến lược trên quy mô lớn để thực hiện kế hoạch Xtalây - Taylo, với mục tiêu chuyển sang tấn công để giành lại thể chủ động, nhằm “bình định” miền Nam trong vòng 18 tháng. Trên chiến trường Gia Lai, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, đưa một số đơn vị quân Mỹ, chủ yếu là không quân, hải quân, biệt kích để yểm trợ cho quân ngụy. Pleiku trở thành trung tâm đầu não, căn cứ quân sự của Mỹ ở Bắc Tây Nguyên.

Ở khu 5, từ năm 1961 - 1965 các ấp chiến lược lần lượt được lập nên dọc các trục giao thông 14, 19 kéo dài, quanh các đồn bốt, quận huyện. Ở khu dồn làng Pó (E5 - Ia Phìn) gồm các làng Bak Ngó, Bak Yố, Pó, Thung; trong đó, làng Bak Ngó, Bak Yố cách quận Thanh An vài km về phía Nam với 114 hộ đồng bào dân tộc Jrai. Sau khi dồn được dân vào ấp, địch đưa một đại đội lính bảo an đóng đồn tại ấp, gọi là đồn Del (dân làng gọi là đồn Pó)[1] để canh giữ, kiểm soát dân trong khu dồn. Ấp đồn Del do tên Kpă Huynh - mật báo viên, rất gian ác làm ấp trưởng, tên này đã từng tuyên bố: Làng Bak là Việt cộng, phải kiểm soát nghiêm ngặt, nếu cần có thể giết cả làng.

Để dồn dân lập ấp chiến lược, chúng dùng mọi thủ đoạn như mua chuộc, dụ dỗ, không được thì càn quét, đánh phá... buộc người dân phải rời bỏ làng để vào những khu dồn, ấp chiến lược. Tại các khu dồn, ấp chiến lược, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, do địch kiểm soát chặt chẽ, kết hợp với thực hiện chính sách “phá sạch, đốt sạch, giết sạch”, triệt nguồn sinh sống, uy hiếp tinh thần Nhân dân.

Chủ trương của ta

Quán triệt chủ trương của Đảng và Liên khu ủy V, đẩy mạnh tiến công địch cả về chính trị, quân sự, tiếp tục củng cố, mở rộng căn cứ địa miền núi, tháng 02/1961, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng được tổ chức và chủ trương: “Phát huy thắng lợi Đồng khởi, khẩn trương xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, phát triển cơ sở ở đô thị, vùng Kinh, dinh điền. Vận dụng phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi giáp công” (chính trị, quân sự, binh vận) để liên tục tấn công và nổi dậy phá kìm kẹp với phá kế hoạch gom dân của địch, củng cố và mở rộng vùng giải phóng, xây dựng về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng lực lượng trang tập trung, phát triển chiến tranh du kích; chống dồn dân lập ấp chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn Đảng bộ”([2]).

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ban cán sự Khu 5 xác định rõ nhiệm vụ quan trọng trước mắt lúc này là lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống dồn dân, lập ấp và phá các khu dồn, ấp chiến lược của địch. Tập trung chỉ đạo cán bộ, cơ sở bám dân, bám làng, phát động quần chúng đẩy mạnh đấu tranh chính trị; tăng cường hỗ trợ quần chúng đấu tranh phá ấp, bảo vệ cơ sở, giữ vững vùng căn cứ, vùng giải phóng... Trên địa bàn xã E5, sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh được thành lập (1961), năm 1962, Mặt trận các huyện lần lượt ra đời, tích cực tuyên truyền, vận động tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Tiếp đó, Mặt trận xã cũng được thành lập, nêu cao vai trò quản lý xã hội trong khi ta chưa có chính quyền, tích cực tập hợp quần chúng tham gia trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy.

Để giữ vững thế làm chủ hợp pháp, trong các làng, ta hình thành ba lực lượng cơ sở cốt cán: Lực lượng hợp pháp, lực lượng bán hợp pháp và lượng bất hợp pháp tích cực bám sát quần chúng phát động đấu tranh chống địch với nhiều hình thức, hướng dẫn dân làng bố phòng chống địch càn quét; quyết không bỏ làng bỏ rẫy để vào khu dồn, ấp chiến lược, hoặc gây dựng lực lượng làm nòng cốt bên trong các khu dồn, ấp chiến lược nhằm tuyên truyền, vận động ổn định tư tưởng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh.

Làng Bak Ngó, Bak Yố có 114 hộ đồng bào dân tộc Jrai. Thực hiện âm mưu dồn dân lập ấp, địch dùng mọi thủ đoạn để cưỡng ép dân, buộc dân các làng Bak Ngó, Bak Yố, Phìn, Ó, Kla, Bò, Grang, Klah, Nú, Thung... phải vào sống trong khu dồn làng Pó. Sau khi dồn được dân vào ấp, địch đưa một đại đội lính bảo an đóng đồn tại ấp, gọi là đồn Del (dân làng gọi là đồn Pó) để canh giữ, kiểm soát dân trong khu dồn. Trong thời gian địch dồn dân hai làng Bak, Ban cán sự Đảng Khu 5 đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên bám sát dân làng, hướng dẫn, lãnh đạo đấu tranh. Mặc dù đồng bào đấu tranh quyết liệt, nhưng dịch đã dùng các thủ đoạn để dồn được dân vào ấp. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng Khu 5 đã bố trí cán bộ vào sống hợp pháp trong ấp để tiếp tục hướng dẫn quần chúng đấu tranh phá khu dồn.

Diễn biến cuộc thảm sát làng Bak năm 1962

Ngay sau khi bị dồn vào ấp, đồng bào hai làng Bak vẫn tiếp tục đấu tranh đòi trở về làng cũ. Sau ba tháng nắm tình hình trong khu dồn, Ban cán sự Đảng Khu 5 đã triển khai nhiệm vụ chuẩn bị cho việc tấn công ấp đồn Del (Pó).

Để việc tấn công đồn và phá ấp bất ngờ, nhanh gọn, cơ sở trong ấp hướng dẫn đồng bào chuẩn bị sẵn đồ dùng gọn nhẹ để mang theo khi rời khỏi ấp lúc lực lượng ta tấn công phá ấp; đồng thời bí mật mở một đường để rút ra bên ngoài bằng ván bắc qua hào giao thông ấp đưa người già và trẻ em ra ngoài trước. Mỗi gia đình được hướng dẫn chuẩn bị sẵn một bó đuốc bằng lồ ô hoặc bằng tranh.

Vào một đêm tháng 10/1962, theo kế hoạch đã được chuẩn bị trước, trung đội vũ trang tập trung khu 5 có lực lượng du kích các làng của xã E5 phối hợp bao vây, tấn công đồn Del, đột nhập vào trong ấp. Ở bên trong, khi nghe hiệu lệnh của cơ sở, đồng bào nổi dậy phá bung 4 cửa ấp, nhổ phá hàng rào, châm lửa đốt nhà rồi mang theo những thứ đã chuẩn bị sẵn chạy về làng ngay trong đêm. Số thanh niên trốn ra rừng để tránh địch truy lùng khủng bố.

Sáng hôm sau, biết tin ấp đồn Del bị tấn công, địch đưa một đại đội lính đến vây hai làng Bak, bắt dân tập trung thành hàng (chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em) để tra xét: Tại sao theo Việt cộng? Ai là người cầm đầu xúi giục? và dồn ép dân làng phải trở lại ấp. Đồng bào cương quyết không đi. Tức tối, tên quận trưởng đã lệnh cho bọn lính xông vào đánh dân làng. Chị Kpă H’Nép đã lăn xả vào ôm bọn lính không cho đánh người, đồng thời đồng bào cũng cương quyết đấu tranh chống lại. Trước sự đấu tranh quyết liệt của đồng bào, kẻ địch đã điên cuồng xả súng và ném lựu đạn vào đám đông quần chúng làm 162 người chết và bị thương, trong đó có 96 phụ nữ và trẻ em. Có gia đình 5 người đều bị giết hại, có bà mẹ trên lưng địu con nhỏ bị đạn địch bắn xuyên qua ngực chết cả mẹ và con.

Cuộc thảm sát hai làng Bak, xã E5 (Ia Phìn) của địch đã gây sự căm phẫn trong quần chúng các làng của xã, lan rộng khắp huyện và tỉnh. Ban cán sự Đảng Khu 5 nhanh chóng chỉ đạo cán bộ, đảng viên và cơ sở bám dân, bám làng ổn định tình hình, tổ chức chôn cất người bị chết và cứu chữa người bị thương, tìm và đưa số người sống sót chạy ra rừng dựng lán trại để tạm sinh sống, chờ khi thuận lợi mới đưa trở về làng cũ. Sau trận thảm sát đó, đồng bào làng Bak đã tạm lánh sang các làng khác để tránh địch khủng bố và dồn lại. Làng cũ không còn. Đến ngày miền Nam giải phóng năm 1975, dân làng Bak còn hơn 40 hộ trở về làng cũ, tương trợ nhau cùng lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Sự kiện vụ thảm sát làng Bak năm 1962 là một trong những sự kiện để lại nhiều đau thương, mất mát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta trên địa bàn làng Bak nói riêng và cả nước nói chung. Để tri ân sự hy sinh to lớn của đồng bào vô tội và những người đã nằm xuống trong sự kiện thảm sát làng Bak, ngày 16/3/2023, UBND huyện Chư Prông đã tổ chức Hội thảo khoa học di tích lịch sử địa điểm thảm sát làng Bak năm1962. Hội thảo đã thống nhất tên gọi hồ sơ di tích là “Vụ thảm sát nhân dân làng Bak năm 1962”, đồng thời bổ sung hồ sơ khoa học để trình UBND tỉnh xem xét, công nhận địa điểm thảm sát làng Bak năm 1962 là di tích lịch sử cấp tỉnh./.



[1] Nay thuộc địa bàn xã Ia Kly.

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2009, tr.329.


Lê Tuyền
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
Họ tên
Email  
Nội dung
 
 Các tin khác
Gia Lai với công tác đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước (08/06)
Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2025 của tỉnh (08/06)
“Học kỳ trong quân đội” với chủ đề Tôi là chiến sỹ năm 2023: Trải nghiệm thú vị trong môi trường quân đội (08/06)
Ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai: 10 năm xây dựng và trưởng thành (07/06)
Gia Lai: Lễ khai mạc hè, ngày Olympic trẻ em và Phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối (06/06)
Triển khai sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (06/06)
Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (06/06)
Chương trình phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 (06/06)
Tuyên truyền kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII (05/06)
Cách xác định thời gian, tiền lương để hưởng trợ cấp tinh giản biên chế từ 20/7/2023 (05/06)
Chính sách thôi việc khi thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 29 (05/06)
Ban Tổ chức Trung ương và Bộ thông tin và truyền thông tổ chức bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho cán bộ, phóng viên báo chí (05/06)
08 đối tượng bị tinh giản biên chế từ ngày 20/7/2023 (05/06)
Chiến thắng Đak Pơ mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa chiến lược quan trọng (02/06)
Gia Lai: Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh học tập, quán triệt nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (02/06)
 

Xem tin ngày:

 Truyền hình internet


 Tìm kiếm

Trong:

 Thông tin mới

cuoc thi

Cuoc thi

Quản lý văn bản điều hành

Sách mô hình hay cách làm tốt

Gia Lai 90 nam hinh thanh va phat trien

Thong tin sinh hoat Chi bo

câu hỏi thi viết

Câu hỏi Cuộc thi

bien dao

Đặc san số tháng 1 năm 2015

Thông tin Tuyên giáo Gia Lai


 Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nhu cầu quan trọng nhất của thanh niên hiện nay là gì?

  1. Học tập nâng cao trình độ.
  2. Việc làm.
  3. Vay vốn để sản xuất kinh doanh.
  4. Hoạt động vui chơi giải trí.
  5. Nhu cầu khác.

Theo bạn, thanh niên hiện nay có sẵn sàng tham gia các hoạt động tình nguyện tại vùng sâu, vùng xa không?

  1. Sẵn sàng tham gia
  2. Tham gia nhưng phải có chế độ, chính sách
  3. Không sẵn sàng tham gia


Số người truy cập 7575815
Số người Online 695

Trang Thông Tin Điện Tử Ban Tuyên giáo tỉnh Gia Lai

Cơ quan chủ quản: Ban Tuyên giáo tỉnh Gia Lai
Giấy phép số  147/GP-TTĐT Cục quản lý Phát thanh-Truyền hình-Bộ thông tin và truyền thông cấp
Địa chỉ: 02 Hai Bà Trưng - TP.Pleiku - Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3717002 - Fax: (0269) 3871503
Email: thongtintuyengiaogl@gmail.com
Ghi rõ nguồn thongtintuyengiaogialai.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này