Về
tổ chức cách mạng: Từ năm 1930, đã có các tổ chức cách mạng hình thành
sớm ở các đồn điền do những đảng viên đi “vô sản hóa”, những đảng viên tránh sự
truy nã của mật thám từ các tỉnh đồng bằng lên hoạt động
Tại
đồn điền Bàu Cạn: Từ năm 1930 đã hình thành tổ chức Công hội đỏ đầu tiên trong công nhân đồn
điền do đồng chí Hà Phú Hương (Hà Thái Hạnh) đảng viên cộng sản từ Huế đi “vô sản
hóa” đến đồn điền Bàu Cạn tìm việc làm và vận động trong quần chúng. Công hội đỏ
ra đời đã tổ chức và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chống sự cai trị hà khắc của
chủ sở.
Cuối năm 1939 đầu
năm 1940 các đồng chí Trần Ren (Thạch Hải), đảng viên chi bộ Tân Định (Sài
Gòn), Phan Thị Út (Thủy Tú), đảng viên ở Huế tránh lưới mật thám đến đồn điền
hoạt động, hình thành một nhóm đảng viên cộng sản trong công nhân là hạt nhân
lãnh đạo phong trào đồn điền.
Tháng 5/1940 tổ
chức Hội Cứu tế đỏ được thành lập, gồm
7 hội viên, do các đảng viên làm nòng cốt, lãnh đạo phong trào đấu tranh của
công nhân đồn điền.
Đồn
điền Biển Hồ:
Từ năm 1940, đồng chí Nguyễn Lượng (Đoàn Xuân Dương) tù chính trị ở nhà tù Lao
Bảo trốn ra, lên làm công nhân ở đồn điền Cố Hiển (Hà Bầu), sau chuyển sang làm
ở đồn điền Biển Hồ, đã tuyên truyền, vận động, tổ chức công nhân học chữ, tập
võ và thành lập hội tương tế, ái hữu. Năm 1941, đồng chí Nguyễn Lượng bị bắt, đồng
chí Nguyễn Bá Hòe trực tiếp lãnh đạo các tổ chức hội tương tế, ái hữu, tập hợp
được đông đảo quần chúng trong đồn điền.
Đồn
điền Đak Đoa:
Từ trước năm 1939 có đồng chí Trần Như Tích đến hoạt động, tổ chức được nhóm cơ
sở gồm anh Ba Lý (Việt Sơn) và Lê Thị Xuân (Đông Hà) đã lãnh đạo công nhân đồn
điền đấu tranh đòi cải thiện đời sống sinh hoạt, phát triển hội ái hữ, tương tế.
Các
phong trào cách mạng:
Phong
trào công nhân đồn điền: Từ những năm 1930, phong trào đấu tranh
của công nhân các đồn điền liên tục nổ ra thu hút đông đảo công nhân tham gia.
Tháng 8/1930, diễn
ra cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Bàu Cạn phản đối địch bắt đồng chí Hà
Phú Hương và 15 công nhân khép tội chống đối chủ sở, chống đuổi thợ, cải thiện
đời sống. Cuộc đấu tranh đã có ảnh hưởng rộng lớn tới các đồn điền trong tỉnh.
Năm 1936, công
nhân phân xưởng hái chè tươi, sấy chè khô, xưởng cơ khí, thợ rèn, thợ điện đình
công, bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, phản đối hành động ngược đãi công
nhân, làm nhục phụ nữ. Chỉ trong năm 1940 đã có hơn 30 cuộc đấu của công nhân đồn
điền Bàu Cạn nổ ra. Nhiều cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi. Những năm
1940 -1944, nhiều cuộc đấu tranh nhỏ trong công nhân nổ ra liên kết giữa các đồn
điền Biển Hồ, Bàu cạn nhằm giữ vững cơ sở và tinh thần cách mạng của quần
chúng.
Tháng 01/1941,
dưới sự hướng dẫn của nhóm cơ sở do đồng chí Nguyễn Ngọc Bích lãnh đạo, một cuộc
đình công của toàn thể công nhân đồn điền Đak Đoa nổ ra, đưa yêu sách đòi tăng
lương, giảm giờ làm, chống bớt xén tiền lương, giải quyết nhà ở, lương thực,
thuốc men chữa bệnh... buộc chủ sở phải hứa giải quyết.
Dưới sự lãnh đạo
của đảng viên Nguyễn Lượng, Nguyễn Bá Hòe, công nhân trong đồn điền Biển Hồ đã
tổ chức các cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tăng lương, giảm giờ làm.
Tháng 10/1930,
công nhân làm đường 19 đoạn Chư Ty – Thanh Bình đã đấu tranh quyết liệt với chủ
lục sở lộ đòi giảm giờ làm, tăng mức ăn, phản đối ăn gạo mục, cá khô. Địch khủng
bố làm 7 người bị thương, 1 người chết. Cuộc đấu tranh đã gây ảnh hưởng mạnh
trong quần chúng công nhân và nông dân trong vùng.
Phong
trào nông dân vùng Kinh: Từ những năm 1936 nhiều cuộc đấu tranh ở
khu vực đồng bào Kinh nổ ra dưới nhiều hình thức: đấu tranh kêu kiện đòi cải
cách hương thôn, mở thêm trường học, sửa cầu cống, đường giao thông liên thôn,
liên xã, chống bóc lột của bọn “liên nông thương đoàn”.
Phong
trào vùng đồng bào dân tộc: Khắp các vùng dân tộc, đồng bào nổi dậy
chống đi xâu, nộp thuế, chống sự kiểm soát của địch. Năm 1936, trong vùng đồng
bào Bahnar An Khê, dưới sự chỉ huy của ông Keh, đồng bào nổi dậy tiến công đồn
Kannak, giết tên đồn trưởng. Từ những năm 1936 – 1938, hưởng phong trào “nước
Xu” so Săm Brăm, dân tộc Chăm (Phú Yên) khởi xướng, nhân dân khắp các vùng
trong tỉnh sôi nổi đi lấy “nước thần”, chuẩn bị vũ trang chống Pháp. Mặc dù
mang màu sắc tôn giáo, nhưng phong trào đã thể hiện tinh thần yêu nước chống
Pháp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Sau khi Săm Brăm bị bắt, nhiều cuộc đấu
tranh du kích vẫn tiếp tục nổ ra, nhân dân không hợp tác với địch.
Các cuộc đấu
tranh dù còn mang tính chất tự phát, hoạt động của những đảng viên trong công
nhân đồn điền cũng đang trong quá trình tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức,
nhưng nó đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân các dân tộc
trong tỉnh chống nhứng thủ đoạn áp bức, bóc lột của bọn thực dân, phong kiến
tay sai.
Phong
trào thanh niên yêu nước và quần chúng trong tỉnh thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Tháng 4/1945 qua
những cuộc đón tiếp đoàn tù chính trị từ Căng an trí Đak Tô trên đường về Quy
Nhơn ghé lại Pleiku và An Khê, đại diện thanh niên yêu nước tiếp xúc với đoàn,
được các đồng chí gợi mở hướng hoạt động, thanh niên Gia Lai đã nhận thức rõ
hơn về kẻ thu, củng cố niềm tin về cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng.
Từ đây các tổ chức
thanh niên yêu nước lần lượt ra đời:
Đoàn
Thanh niên Gia Lai thành lập tháng 4/1945, do các anh Trần
Ngọc Vỹ, Nguyễn Đường, Dương Thành Đạt, Phan Bá, Trương Khôi tổ chức từ những
thanh niên, viên chức tiến bộ ở tỉnh lỵ.
Tháng 5/1945 ở
thị trấn An Khê, Đoàn Thanh niên Chấn
Hưng An Khê ra đời do nhóm trí thức tiến bộ gồm các anh Đỗ Trạc, Trần
Thông, Trần Sanh, Lý Bính đứng ra tập hợp lực lượng thanh niên thị trấn và các
vùng nông thôn, bí mật liên lạc với cơ sở Đảng và Mặt trận Việt Minh để hoạt động.
Ở Cheo Reo,
tháng 6/1945, Đoàn Thanh niên Cheo Reo
hình thành, gồm những thanh niên, học sinh dân tộc các lang xung quanh thị trấn
và các viên chức tiến bộ người dân tộc do các anh Nay Phin, Rơchom Briu đứng đầu.
Sau khi ra đời,
các tổ chức đoàn thanh niên phát triển nhanh chóng, làm nòng cốt trong các cuộc
vận động cách mạng của quần chúng trong tỉnh, có các hoạt động văn hóa, xã hội
tiến bộ thu hút đông đảo thanh niên thị xã, thị trấn, vùng phụ cận tham gia; hướng
dẫn thanh niên đấu tranh chống các hoạt động tham nhũng của bọn tay sai thân Nhật...
uy tín của các đoàn thanh niên ngày càng cao.
Thời kỳ tiền khởi
nghĩa, phong trào đấu tranh của quần chúng, nhân dân, thanh niên vùng nông thôn
dân tộc cũng như trong các đồn điền, các tầng lớp nhân dân lao động ở thị xã,
thị trấn, phong trào trong thanh niên yêu nước tiến bộ trong tỉnh tuy chưa có sự
chỉ đạo thống nhất, nhưng đã phát triển đều khắp, tạo thành một phong trào cách
mạng mạnh mẽ, sôi nổi của quần chúng, chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa theo lời kêu
gọi của Đảng và Mặt trận Việt Minh./.