Tuy nhiên, để
sách thực sự là món ăn tinh thần thường xuyên thì việc hình thành thói quen đọc
sách phải được thực hiện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sách thì nhiều nhưng đọc sách như thế nào cho
hiệu quả và phải thực sự là công việc đều đặn hàng ngày chứ không phải chỉ thực
hiện để hưởng ứng phong trào của ngày hội. Trong chương trình giáo dục phổ
thông mới, giáo viên tổ ngữ văn đã mạnh dạn đưa vào chương trình giáo dục Ngữ
Văn THCS tiết học Hoạt động ngữ văn. Ở tiết học ấy, giáo viên có năng khiếu về
mảng nào thì sẽ xây dựng giáo án và phát
huy, phát triển năng khiếu mảng ấy cho học sinh. Nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong
học sinh, tôi đã xây dựng tiết học này thành việc rèn luyện học sinh đọc sách
và tôi thấy đạt được hiệu quả nên muốn chia sẻ trong bài viết này.
Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đưa ra 10
yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục để hình thành và phát triển văn hoá đọc
trong nhà trường, giúp học sinh nâng cao hiểu biết, phát triển kỹ năng sống… Từ
đó, thư viện các trường học đã tổ chức rất nhiều các hoạt động giao lưu, các cuộc
thi, các buổi tọa đàm nhằm khuyến khích học sinh đọc sách. Tuy nhiên, phong
trào đọc sách trong nhà trường chưa thực sự đạt hiệu quả, chất lượng của các cuộc
thi còn mang tính chất đối phó. Là một giáo viên dạy văn, tôi cũng đau đáu
nghiên cứu, đề xuất một số hình thức nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Thực tế trong một tiết học văn hiện nay,
thời lượng hướng dẫn học sinh tiếp cận tác phẩm, hiểu tác phẩm chiếm rất nhiều
thời gian. Tiết học văn chỉ là mổ xẻ câu từ, suy diễn ý nghĩa văn bản đến mức
khô khan, nhàm chán gây mệt mỏi. Do phân phối chương trình, do phương pháp mới
hay do cách dạy mới mà vấn đề hướng dẫn học sinh đọc chiếm thời lượng rất ít, hầu như bị lướt qua.
Tôi cho rằng việc hướng dẫn học sinh đọc
đúng tác phẩm rất quan trọng, vì đọc đúng là học sinh đã hiểu được 50% nội dung
tác phẩm rồi. Bởi vì nếu hiểu tác phẩm thì dù bạn có chất giọng bình thường
nhưng bạn sẽ đọc diễn cảm, truyền cảm xúc tới người nghe khi biết nhấn mạnh ở
chữ nào, lướt nhanh ở chỗ nào, đọc chậm ở dạng văn bản nào, đọc nhanh ở dạng
văn bản nào. Khi người nghe cũng cảm nhận được những lúc nghẹn ngào, xúc động
hay những lúc nhanh, gấp, nóng giận của nhân vật thì lúc đó bạn đã truyền được
cảm hứng đọc sách cho họ rồi. Còn cách đọc các loại văn bản hành chính thì cần
phát âm chính xác, tròn vành rõ chữ, âm lượng vừa phải để truyền đạt đủ thông
tin tới người nghe. Bởi vậy, lan tỏa văn hóa đọc đơn giản là chính mình thẩm thấu
tác phẩm, chính mình thổ lộ tâm tình qua từng chữ mình đọc một cách tự nhiên nhất,
không khiên cưỡng và người nghe cũng cảm nhận chân thành nhất. Lan tỏa văn hóa
đọc trong nhà trường xuất phát từ việc đọc và cảm nhận tác phẩm mình đọc thật
tâm huyết.
Những năm gần đây, mỗi khi ngày hội đọc sách càng đến
gần, tôi càng nhiều trăn trở khi nhìn thấy nhà sách, thư viện trống trơn, không
có người vào đọc. Thư viện trường học vắng bóng học sinh khiến tôi suy nghĩ rất
nhiều về biện pháp lan tỏa văn hóa đọc. Các ban ngành đoàn thể cũng có nhiều biện
pháp tuyên truyền sâu rộng về sách, ý nghĩa của sách và ý nghĩa của ngày hội đọc
sách. Băng rôn khẩu hiệu sặc sỡ sắc màu
khắp nơi nhưng vẫn vắng bóng người đọc sách.
Hưởng ứng ngày hội đọc sách, tôi thấy nhiều cá nhân, tập
thể cũng đưa ra nhiều biện pháp, nhiều hình thức sáng tạo, bổ ích, ý nghĩa. Người
thực sự quan tâm tới việc lan tỏa văn hóa đọc thì sẽ nghiên cứu hình thức tuyên
truyền phù hợp. Bằng chất giọng thiên phú, nhiều MC đã thực hiện việc tuyên
truyền đọc sách bằng tai audio book mà nhiều bài báo đã phản ánh.
Trong tiết hoạt động ngữ văn của mình, tôi bắt đầu bằng
những cuốn truyện đọc “Hạt giống tâm hồn”. Tôi đọc trực tiếp trước lớp. Tôi đọc
và ghi âm, ghi hình bằng chiếc smatphone của mình rồi trình chiếu trên tivi lớp
học, phát trên facebook, zalo cá nhân của tôi. Khi học sinh đã thích lắng nghe
tôi đọc và trầm tư suy nghĩ, bàn bạc về ý nghĩa những câu chuyện tôi đọc, tôi yêu cầu học sinh chia sẻ về một truyện mà
em thích, đọc trước lớp và nêu cảm nghĩ của mình về câu chuyện ấy, liên hệ với
bản thân mình. Từ câu chuyện đọc, học sinh hào hứng nói về mình, cũng là một
cách chia sẻ cảm xúc của bản thân, chia sẻ những suy nghĩ của mình về cuộc sống
một cách dễ nhất. Buổi thảo luận về sách và cách đọc sách kéo các em gần gũi
nhau hơn, tạo thói quen cho các em và dần dần tạo hứng thú cho các em.
Việc lan truyền văn hóa đọc không chỉ là khẩu hiệu về
sách và ý nghĩa của sách, về ngày hội đọc sách và những câu khẩu hiệu tôi bắt gặp
trên đường đi. Lan tỏa văn hóa đọc bằng nhiều cách và phù hợp với đối tượng
mình hướng tới. Với góc độ của mình, tôi đã thực hiện biện pháp của tôi ngay
trong chương trình học và tôi đã thấy hiệu quả thiết thực nên tôi mạnh dạn chia
sẻ với đồng nghiệp. Hy vọng với cái tâm của nghề dạy học, nhất là người dạy môn
văn, người thích đọc sách, đồng nghiệp của tôi sẽ sáng tạo nhiều tiết học ý
nghĩa nhằm lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh, tạo thành thói quen đọc sách cho học
sinh ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.