Chính sách - Pháp luật
1. Thông tư số 58/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, ngày 13/6/2017 hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Thông tư gồm 13 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2017. Một số quy định chủ yếu của Thông tư:
- Đối tượng áp dụng: (1) Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm, thủy sản do nhà nước làm chủ sở hữu; (2) Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; (3) Hợp tác xã; (4) Các doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); (5) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan việc thực hiện hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người (DTTS) tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Các đối tượng nêu tại (1), (2), (3), (4) (gọi chung là đơn vị sử dụng lao động) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, có sử dụng lao động là người DTTS cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo danh sách quy định tại Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg.
- Đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn: a) Hỗ trợ chi phí đào tạo: Người thuộc hộ đồng bào DTTS nghèo: mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học. Người DTTS: mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học; b) Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại: Hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học. Hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người học là người DTTS cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.
- Trường hợp đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung thì chỉ được hưởng chính sách cao nhất.
- Chính sách hỗ trợ về bảo hiểm: (1) Ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa 05 năm đối với một người lao động; (2) Việc hỗ trợ bảo hiểm được thực hiện đối với lao động là người DTTS được đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
- Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, bảo hiểm: (1) Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người DTTS; (2) Các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động là người DTTS; (3) Nguồn lồng ghép kinh phí đào tạo thường xuyên, các chương trình (trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), dự án khác trên địa bàn để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động là người DTTS; (4) Đối với đơn vị sử dụng lao động hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nếu phương án tự chủ của đơn vị đã bao gồm dự toán chi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người DTTS thì đơn vị không được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
2. Bộ công cụ khảo sát sự hài lòng đối với dịch vụ giáo dục công
Ngày 11/7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định 2329/QĐ-BGDĐT là Bộ công cụ khảo sát và tài liệu Hướng dẫn triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.
Theo đó, việc điều tra khảo sát sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc đối với tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, cụ thể:
- Đối tượng tham gia khảo sát sát lấy ý kiến đánh giá bao gồm cha mẹ học sinh, học sinh, học viên và sinh viên tương ứng với từng cấp học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX, TCCN và ĐH).
- Các đối tượng trên sẽ điền vào từng phiếu câu hỏi tương ứng theo mẫu được ban hành kèm theo Quyết định; trong đó nội dung khảo sát được chia thành 6 phần chính, bao gồm:
+ Tiếp cận dịch vụ;
+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị;
+ Môi trường giáo dục;
+ Hoạt động giáo dục (với cấp mầm non thì mục này được gọi là “Hoạt động chăm sóc – Giáo dục trẻ”);
+ Kết quả giáo dục;
+ Các ý kiến khác.
Quyết định 2329/QĐ-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
3. Phấn đấu mỗi năm ít nhất 600.000 thanh niên có việc làm
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1042/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 - 2020).
Theo đó, mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên phấn đấu đến năm 2020 có một số nội dung đáng chú ý sau:
- Ít nhất 600.000 thanh niên được giải quyết việc làm mỗi năm;
- 70% thanh niên trong lực lượng lao động được giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề để thích ứng, hội nhập với thị trường lao động trong nước và quốc tế;
- 100% thanh niên khi đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được học tập, phổ biến pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại;
- Giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị xuống dưới 7%, nông thôn xuống dưới 6%;
- Trên 80% thanh niên được tư vấn về nghề nghiệp và việc làm;
- 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được giáo dục hướng nghiệp;
- 70% thanh niên làm việc ở khu công nghiệp, khu kinh tế được trang bị các kiến thức về pháp luật, về kỹ năng an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp,…
Quyết định 1042/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 17/7/2017.
4. Thời gian nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 và Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 của cán bộ, công chức, người lao động
* Trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9/2017, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động làm việc tại cơ sở có chế độ nghỉ 02 ngày/tuần (nghỉ vào ngày Thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần) sẽ có kỳ nghỉ kéo dài 03 ngày liên tục.
Bắt đầu nghỉ từ Thứ 7 ngày 02/9/2017 cho đến hết Thứ 2 ngày 04/9/2017 (trong đó, Thứ 2 ngày 04/9/2017 là nghỉ bù cho Thứ 7 ngày 02/9/2017).
Đối với người lao động làm việc tại cơ sở có chế độ nghỉ 01 ngày/tuần (nghỉ vào ngày Chủ nhật hằng tuần) được nghỉ 02 ngày liên tục từ Thứ 7 ngày 02/9/2017 đến hết Chủ nhật ngày 03/9/2017.
* Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018: Theo Bộ luật Lao động 2012, người lao động được nghỉ tết nguyên đán 5 ngày, từ ngày 30 tháng chạp đến hết mùng 4 tết.
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ Tết 2018 vào các ngày 15, 16, 17, 18, 19 tháng 2 năm 2018 Dương lịch (theo Bộ luật lao động sửa đổi); tuy nhiên, ngày mùng 2 và mùng 3 tết (nhằm ngày 17 và 18 tháng 2 năm 2018 dương lịch) rơi vào hai ngày nghỉ cuối tuần là thứ 7 và chủ nhật, nên người lao động được nghỉ bù thêm hai ngày tiếp theo, nâng tổng số ngày nghỉ lên 7 ngày.
Tổng số ngày tết Nguyên đán 2018 dự kiến sẽ là 7 ngày, từ ngày 30 tháng chạp năm Đinh Dậu 2017 đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018 (nhằm ngày 15/02/2018 đến hết ngày 21/02/2018 Dương lịch)./.
|