Những kết quả tích cực trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng: Triển khai Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, đồng thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm.
Ảnh: Internet
Ban Thường vụ
Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc tăng cường
công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gắn
với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện
công tác phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các
cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng phối hợp tốt trong việc phát hiện,
xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm...
Nhiều kết quả
tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng: Công khai, minh bạch về tổ chức
và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm từng bước nâng cao tính minh
bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân tiếp cận thông tin và giám sát hoạt động
của các cơ quan, đơn vị. Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn
trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó, ban hành 183 văn bản; sửa đổi, bổ
sung 01 văn bản và bãi bỏ 02 văn bản về định mức, tiêu chuẩn.
Thực hiện nghiêm
quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và
quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm; đề cao trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ
quan, đơn vị. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 259 trường hợp đối với cán bộ,
công chức, viên chức có dư luận nhũng nhiễu, tiêu cực.
Đẩy mạnh thực
hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh
toán không dùng tiền mặt. Cơ quan hành chính các cấp đã áp dụng mô hình hệ thống
“Một cửa điện tử liên thông”, đồng thời, tăng cường triển khai, cung cấp, khuyến
khích cá nhân, tổ chức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4, sử dụng
mạng xã hội Zalo; Thực hiện tốt việc chi trả tiền lương, tiền công cho tất cả
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua tài khoản ngân hàng và thực hiện
thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi có giá trị lớn theo
quy định... góp phần hạn chế, ngăn ngừa tham nhũng.
Kiểm soát tài
sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
theo đúng quy định. Đã thực hiện kê khai tài sản 1.070 trường hợp đối với cán bộ,
công chức, viên chức khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, nhất là đối với cán
bộ được giới thiệu tham gia cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp và theo quy định.
Thực hiện tốt chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong
phòng, chống tham nhũng, trong năm, các cấp ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xử
lý trách nhiệm 02 người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
Kết quả phát
hiện, xử lý tham nhũng: qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã tiến hành
kiểm tra 04 đảng viên và xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo 02 đảng viên thuộc
diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu 04 trường
hợp để cán bộ cấp dưới vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam; Ủy ban Kiểm
tra Tỉnh ủy quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 01 đảng viên có hành vi
phạm tội “Tham ô tài sản”; cấp ủy các cấp đã quyết định thi hành kỷ luật bằng
hình thức “Khai trừ ra khỏi Đảng” đối với 07 đảng viên liên quan 01 vụ án tham
nhũng, kinh tế, chức vụ; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an tỉnh đã thi hành kỷ luật
hình thức “Cảnh cáo” đối với 01 đảng viên có hành vi tham nhũng. Qua hoạt động thanh
tra, đã phát hiện sai phạm về tài chính tại 67 đơn vị với tổng số tiền 16.919.802.000
đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 6.487.111.000 đồng, kiến
nghị khác 10.432.691.000 đồng; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với 27 tập thể,
142 cá nhân; ban hành 512 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.193.550.000
đồng đối với 152 tổ chức, cơ sở và 360 cá nhân vi phạm. Qua hoạt động điều tra,
truy tố, xét xử, cơ quan điều tra hai cấp thụ lý 11 vụ/23 bị can, đã giải quyết
05 vụ/12 bị can, đang điều tra 06 vụ/11 bị can. Trong năm, đã thu hồi
2.292.026.000 đồng/4.351.374.621 đồng tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong
các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…
Nhiệm vụ, giải
pháp tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới: Tiếp tục thực
hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chỉ thị, nghị
quyết của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, nhằm nâng
cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm của
các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đấu tranh phòng, chống
tham nhũng.
Các địa
phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp phòng ngừa tham
nhũng; chú trọng chất lượng công tác cải cách hành chính gắn với ứng dụng khoa
học, công nghệ trong quản lý; thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công
tác, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan; triển khai việc kê khai
tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức,
đơn vị theo quy định.
Các cấp ủy, cơ
quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng xây dựng
kế hoạch và triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra lĩnh vực
phòng, chống tham nhũng; làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về
tham nhũng, tiêu cực; quan tâm giải quyết đơn, thư tố cáo cán bộ, đảng viên có
liên quan đến tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm người
đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản
lý, phụ trách.
Ngành chức
năng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế
năm 2020 chuyển sang, tập trung vào các vụ việc, vụ án Ban Nội chính Trung
ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác
xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân
dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội
trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.
|