Những “chiến binh đặc biệt” ở “quần đảo bão tố”
Giữa Trường Sa xa xôi đầy nắng và gió - nơi được coi là “quần đảo bão tố”. Nơi đây có 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân do những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam làm chủ. Và đó cũng là nơi có những “chiến binh bốn chân” đặc biệt- “người bạn thân thiết” của lính đảo xa nhà.
Ca sĩ Mai Khôi gặp “chú khuyển” mang tên mình
sau một năm trở lại đảo Cô Lin. Ảnh: MT.
Ai đã đặt chân đến đảo, nổi,
đảo chìm quần đảo Trường Sa, chắc hẳn vô cùng ấn tượng với những chú chó ở đây.
Bộ đội Trường sa gọi chó là “chú khuyển”, hoặc đặt nhiều cái tên mĩ miều như
“Hồng Nhung”, “Mai Khôi”, “Thanh Thúy”, “Minh Quân”... Khác với đất liền sợ
nước, thì những “chú khuyển” ở đảo chìm sẵn sàng lao ra biển để đón khách từ
đất liền đến thăm, mặc cho sóng to, gió lớn.
Hôm ấy, đoàn công tác chúng
tôi đến đảo Cô Lin- một trong 21 đảo/ điểm đảo trong quần đảo Trường Sa có dòng
nước liên tục chảy ngược chiều từ đảo đổ ra biển. Chúng tôi xúc động nhìn hòn
đảo nhỏ thiêng liên giữa ngàn trùng sóng nước- nơi mà 30 năm trước, những người
lính trẻ hải quân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước
họng súng xâm lăng để giữ cột mốc chủ quyền. Và càng xúc động hơn, giữa sóng to
gió lớn, 4 “chú khuyển” nhảy ùm xuống biển bơi ra giữa dòng nước xoáy đón chúng
tôi. Từ trên xuồng chuyển tải, dưới ánh nắng chói chang, cả bốn “chú khuyển”
kêu “gâu gâu” mừng rỡ, rồi ngụp lặn dưới làn nước bơi vào mép đảo. Khi chúng
tôi đặt chân lên cầu cảng, đã thấy chúng
vẫy đuôi ngoe nguẩy đón chào.
Ca sĩ Mai Khôi ngồi xuống cạnh mép nước đưa
tay xoa đầu “chú khuyển” đầu đàn. Nó ngẩng lên nhìn. Đôi mắt thân tình, hiền
từ, thân thiện.
Đại úy Lê Tiến Công, chỉ huy
trưởng đảo Cô Lin cho biết: “Nuôi chó ở đảo chìm có nhiều lợi ích. Khi có động
tĩnh gì, nó báo hiệu cắn to là mình biết, kể cả khúc gỗ trôi vào đảo nó cũng
cắn. Trong giờ gác đêm, nó cứ quanh quẩn bên chân, vì thế mà ca gác cảm giác
nhanh hơn lại không buồn ngủ. Khi tuần tra quanh đảo, nó chạy theo sau cảnh
giới. Những lúc nhớ đất liền, nó là người bạn làm vơi đi nỗi nhớ vợ, con, gia
đình”.
Đại úy Công còn cho biết thêm, mỗi lần có đoàn
khách từ đất liền ra thăm, không hiểu tại sao con chó đầu đàn nhảy ùm xuống
biển là cả đàn nhảy theo bơi ra gần xuồng chuyển tải đón khách mặc dù chẳng ai
ra lệnh. Khi đoàn khách rời đảo, con nào cũng bần thần như nuối tiếc, mất mát điều gì đó. “Chó ở đảo,
chúng tôi rất cưng. Chúng tôi hiểu được thói quen của từng con. Đảo qui định,
nếu có văn công, ca sĩ ra đảo, con chó nào được ca sĩ xoa đầu, hoặc “trò
chuyện” với nó, thì tên ca sĩ ấy sẽ được đặt thành tên nó. Đảo Cô Lin có 4 con
chó mang tên ca sĩ Mai Khôi, Minh Quân, Khánh Hòa”, Đại úy Công, nói
“Chiến binh” của đảo Đá Lát. Ảnh: MT.
Không chỉ đảo chìm, các đảo
nổi như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Nam Yết, bộ đội ở đây cũng nuôi
nhiều chó. Sau một ngày huấn luyện trên thao trường nắng lửa, khi đi tuần tra
quanh mép đảo sớm mai, bồng súng gác đêm dưới sương lạnh, gió gào; những “chú
khuyển” vừa là “chiến binh cảnh giới”, vừa là người bạn tâm tình của cán bộ
chiến sĩ. Nhiều lính trẻ sau thời gian quân ngũ ở đảo, ngày trở lại đất liền,
ngoài nhớ đồng đội thân yêu và chủ quyền máu thịt, hình bóng những “chú khuyển”
thân thương luôn có trong góc tâm tình.
Có người lính đã khóc vì thương “người bạn bốn
chân” khi rời đảo. Trong giây phút chia xa, họ hiểu những “chiến binh đặc biệt”
đã giúp họ vơi nhớ đất liền, nhân lên niềm tin và tiếp thêm niềm vui canh biển,
đảo nơi đường biên Tổ quốc.
Và mỗi khi đoàn công tác ra Trường Sa lên xuồng
về đất liền, những chiến binh lại bơi ra biển để chào tiễn biệt. Hình ảnh những
chú chó thân thương ấy đã làm xúc động
bao trái tim người lính. Chiến sĩ Hoàng Hải Lý, lần đầu tiên ra đảo Trường Sa, xúc động trước những chú chó bơi
ra biển tiễn chân, anh đã viết lên vần thơ làm cay mắt bao người.
Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về
đây
Đừng ra xa, thân thể
mày bé lắm
Sóng thì to, nước biển kia
rất mặn
Mày cứ bơi, tao sao thể cầm lòng...
|