Phát triển kinh tế tập thể theo hướng nâng cao giá trị trên địa bàn tỉnh Gia Lai - cơ hội và thách thức
Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Phát triển KTTT không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Với điều kiện nguồn lực, năng lực của các chủ thể trong nền kinh tế của nước ta còn rất hạn chế, đặc biệt kinh tế nông hộ, KTTT được xem là một trong những nhân tố quan trọng giúp đẩy nhanh việc nâng cao năng lực cho các chủ thể trong nền kinh tế và tập trung nguồn lực cho quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, KTTT cũng được xem là chìa khóa để các hộ nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển theo hướng bền vững.
Nhận thức được tầm quan trọng của sự phát triển
KTTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với sự hỗ trợ từ
Trung ương, hàng năm, các cấp chính quyền trong tỉnh cũng dành một nguồn lực
nhất định để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của thành phần kinh tế này. Được
sự quan tâm và đầu tư nguồn lực, KTTT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sự thay đổi
theo hướng tích cực, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) được thành lập,
chất lượng và hiệu quả hoạt động được cải thiện. Tuy nhiên, sự phát triển của
thành phần kinh tế này vẫn còn nhiều bất ổn, tác động tích cực của KTTT đối với
sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là với các hộ chưa nhiều. Bên cạnh đó,
nhiều sản phẩm chủ lực trong tỉnh hiện nay được xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng thô
hay chỉ ở dạng sơ chế có giá trị thấp. Nền kinh tế của tỉnh nói chung, KTTT
trên địa bàn tỉnh cũng đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức.
1. Thực trạng phát triển kinh tế tập thể trên
địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua
Tính đến tháng 12/2019, trên toàn tỉnh Gia Lai
có khoảng 383 tổ hợp tác trong nông nghiệp với 4.645 tổ viên, doanh thu đạt
15.100 triệu đồng/năm việc số lượng các tổ hợp tác giảm là do xu hướng người
nông dân tham gia vào HTX nông nghiệp.
Các tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như: Tổ hợp tác làm
thuỷ lợi, tổ dịch vụ làm đất, tổ liên kết trồng cà phê, cao su, mía, chăn nuôi
bò, nhận khoán quản lý bảo vệ rừng... các tổ hợp tác được tổ chức đơn giản gọn
nhẹ phù hợp với yêu cầu và tâm lý, khả năng của nông dân trong cơ chế thị
trường hiện nay.
Các tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh có quy mô
nhỏ, tổ chức và quản lý gọn nhẹ, linh hoạt. Hầu hết các tổ hợp tác không có tài
sản chung, góp sức và phân phối lợi nhuận theo quy chế hoạt động; Tổ hợp tác đã
khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ và đáp ứng nhu cầu về vốn,
công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường,
hạn chế thao túng và chèn ép của tư thương, tăng thêm vị thế của kinh tế hộ
nông dân, phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống,
góp phần xoá đói giảm nghèo. Đồng thời còn là cầu nối giữa cấp uỷ đảng, chính
quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương với nông dân trong công tác
tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tổng số HTX nông nghiệp tính đến tháng 04/2020,
toàn tỉnh hiện có 217 HTX nông nghiệp, trong đó có 32 HTX nông nghiệp đã chuyển
đổi theo Luật HTX năm 2012 và 185 HTX nông nghiệp thành lập mới từ năm 2014 -
4/2020. Riêng 4 tháng đầu năm 2020 thành lập mới 11 HTX nông nghiệp. Đối với
các xã trong Chương trình xây dựng nông thôn mới: có 133/182 xã đã có HTX nông
nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Tổng số thành viên của HTX nông nghiệp khoảng 8.692 thành viên. Tổng số lao
động làm việc thường xuyên của HTX nông nghiệp: 1.168lao động. Tổng vốn điều lệ
đăng ký khoảng 346.169,8 triệu đồng.
Toàn tỉnh hiện có 01 liên hiệp HTX nông nghiệp:
Liên hiệp HTX tinh dầu bạc hà Hà Tây – Bắc Gia Lai sản xuất kinh doanh trong
lĩnh vực nông nghiệp như: trồng cây gia vị, cây dược liệu, hương liệu lâu năm;
buôn bán thực phẩm; trồng rau, đậu các loại, trồng hoa; chế biến và và bảo quản
rau quả; trồng cây hàng năm khác; Liên hiệp HTX hoạt động đúng theo Luật hợp
tác xã năm 2012. Tổng vốn điều lệ của Liên hiệp HTX đạt 9.000 triệu đồng. Hiệu
quả hoạt động kinh doanh của liên hiệp HTX đáp ứng được các dịch vụ cho các
thành viên HTX ; tập trung đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các hợp
tác xã thành viên, hỗ trợ nhau trong hoạt động và đáp ứng nhu cầu khác của các thành
viên tham gia.
2. Tồn tại, hạn chế của kinh tế tập thể trên địa
bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua
Mặc dù được quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện
thuận lợi trong quá trình hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh hiệu quả vẫn
chưa cao. Năm 2019: Đánh giá xếp loại theo Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT về hoạt
động của các HTX đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số
HTX là 206 HTX, gồm: Số HTX hoạt động
xếp loại tốt: 07 HTX (3,40%); Số HTX hoạt động xếp loại khá: 70 HTX (33,98%);
Số HTX hoạt động xếp loại trung bình: 35 HTX (16,99%); Số HTX yếu kém, ngừng hoạt động: 9 HTX
(4,36%); Số HTX chưa đủ thời gian đánh giá xếp loại: 85 HTX (41,26%).
Quy mô sản xuất của một số HTX nhỏ, chủ yếu theo
địa giới hành chính thôn, xã; nguồn vốn và cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa tạo
được sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hoá cho thành viên,
sức cạnh tranh thấp, lợi nhuận ít, thậm chí có HTX làm ăn thua lỗ. Sự gắn kết
giữa thành viên với HTX rời rạc, thiếu bền vững. Chưa thu hút được nhiều doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để hợp tác, liên kết với các hợp tác xã
nông nghiệp và người dân trên địa bàn nông thôn.
Hầu hết các HTX chưa xây dựng được chiến lược
sản xuất kinh doanh dịch vụ theo hướng đa ngành, chủ yếu đang tập trung thực
hiện một số dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xu hướng liên kết
giữa các hợp tác xã theo quy mô vùng còn yếu, chưa tổ chức tốt các khâu dịch vụ
thu mua sản phẩm cho nông dân.
Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý các HTX chưa đáp
ứng nhu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay; thiếu cán bộ trẻ có kiến thức,
năng lực, nhiệt tình, tâm huyết gắn bó lâu dài với HTX.
Công tác quản lý của nhà nước đối với KTTT đạt
hiệu quả chưa cao. Đảng và Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý cho sự chuyển đối,
xây dựng mới HTX. Nhưng trên thực tế, sự
tác động của các chủ trương, chính sách đó còn chậm, việc đáp ứng tiêu chí để
được hưởng những chính sách hỗ trợ còn gặp khó
đặc biệt là về hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đất đai,..
3. Cơ hội, thách thức do hội nhập tạo ra đối với
quá trình phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh
Việt Nam đã chính thức gia nhập nhiều tổ chức
thương mại, hiện định thương mại tự do và hoạt động này sẽ có tác động lớn đến
nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của tất cả các địa phương trong cả nước. Khi các
cam kết của Việt Nam
có hiệu lực sẽ tác động đến quá trình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn
tỉnh.
Cơ hội: Khi cam kết đến thời điểm có hiệu lực,
mức thuế xuất nhiều mặt hàng nông sản và sản phẩm chế biến, trong đó có cà phê,
sẽ được giảm ở mức cam kết thấp hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện tăng lợi thế cho
hoạt động xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các THT, HTX
sẽ tiếp cận với các công nghệ, trang thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu từ các
nước khác với mức giá rẻ hơn; môi trường kinh doanh và chính sách sẽ có những
thay đổi theo hướng minh bạch và phù hợp hơn, điều này sẽ cải thiện môi trường
đầu tư cho các THT, HTX trong tỉnh cũng
như khuyến khích thu hút đầu tư thành lập mới hoặc mở rộng các THT, HTX trên
địa bàn tỉnh. Vấn đề giải quyết các tranh chấp thương mại có liên quan được cải
thiện theo chiều hướng có lợi hơn cho chúng ta.
Thách thức: Các HTX chế biến, xuất khẩu nông sản
trong tỉnh bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu mua
nguyên liệu; Các HTX chế biến nông sản trong tỉnh sẽ bị cạnh tranh trong khâu
tiêu thụ các sản phẩm nông sản chế biến tại thị trường truyền thống trong và
ngoài nước; Các HTX xuất khẩu nông sản trong tỉnh sẽ gặp khó khăn khi các rào
cản kỹ thuật được siết chặt hơn liên quan đến xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn sản
phẩm…
4. Một số giải pháp để phát triển kinh tế tập
thể theo hướng nâng cao giá trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới
Trước hết cần rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất trên cơ sở quy hoạch đô thịi, công nghiệp để xây dựng các vùng chuyên
canh, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Định hướng phát triển KTTT
trong nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh
vực và điều kiện thực tế xã hội gắn liền với xây dựng nông thôn mới; phát triển
HTX gắn với chuỗi giá trị; phát triển KTTT, HTX tại các vùng khó khăn, đặc biệt
khó khăn.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng
cao hiệu quả kinh tế tập thể, tăng cường đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng
dụng nhanh các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến cho kinh tế tập thể,
trong đó hợp tác xã nông nghiệp là nòng cốt. Khuyến khích phát triển bền vững
kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác
đa dạng; nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh
tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch
vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo
đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; tạo điều kiện hình thành những tổ
hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao...
Thứ ba, chuyển đổi toàn diện HTX theo Luật HTX
năm 2012. Xóa bó các HTX hoạt động kếm hiệu quả, thường xuyên thua lỗ. Thành
lập mới các THT, các HTX chuyên ngành (HTX kiểm mới) làm đầu mối, đại diện nông
dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm theo chuỗi giá
trị.
Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX phát
triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Thành
lập các hiện hội ngành hàng để bảo vệ quyền lợi nông dân và các thành viên, hạn
chế cạnh tranh không lành mạnh. Tranh thủ tối đa cơ hội hợp tác quốc tế để huy
động và sử dụng hiệu quả về kỹ thuật, kinh nghiệp, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất
gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản
Tóm lại, mặc dù được sự quan tâm, hỗ trợ từ
nhiều cấp chính uyền trong tỉnh nhưng sự phát triển của thành phần KTTT trên
địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế và nhiều bấp cập. Chính vì vậy, để thúc đẩy sự
phát triển của THT, HTX trong thời giải tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
liên quan đến quy hoạch vùng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, công tác tuyên
truyền, chuyển đổi HTX./.
|