Pleiku: Kết quả sau 10 triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương, của tỉnh về công tác phát triển du lịch, sau 10 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan.
Qua 10 năm triển khai thực
hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ
quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân từng bước được nâng lên, công
tác lãnh đạo, chỉ đạo được tăng cường. Tình hình hoạt động du lịch có chuyển
biến tích cực, năm 2017 tổng lượt khách du lịch đến Pleiku đạt 480.000 lượt,
tăng 392,9% so với năm 2008 (97.328 lượt khách), trong đó khách quốc tế đạt
9.650 lượt, tăng 47,1% so với năm 2008 (6.561 lượt khách); doanh thu đạt 239 tỷ
đồng, tăng 281,6% so với năm 2008 (62,62 tỷ đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2018,
tổng lượt
khách du lịch đến thành phố Pleiku ước đạt 280.000 lượt, tăng 118,75% so với
cùng kỳ năm 2017, trong đó khách quốc tế 3.800 lượt, doanh thu ước đạt 110 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền quảng
bá, xúc tiến du lịch được quan tâm, triển khai bằng nhiều hình thức tuyên
truyền đa dạng và phong phú nhằm xây dựng hình ảnh, con người Pleiku văn minh,
lịch sự, thân thiện để giới thiệu rộng rãi trong nước và ngoài nước. Thiết kế
và in ấn 3.000 tờ gấp tóm tắt về Bộ quy tắc ứng xử du lịch văn minh, giới thiệu
các điểm du lịch để cấp phát cho nhân dân và du khách tại sân bay, bến xe, nhà
hàng, khách sạn. Tuyên truyền trực tiếp đến người dân thông qua việc lắp đặt 05
cụm wifi công cộng miễn phí tại Khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết. Tiến hành in
ấn 500 tập du lịch Pleiku, 500 tập bản đồ du lịch và 500 postcard phát trong
Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Gia Lai và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tạo
điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch
trên địa bàn thành phố.
Trong những năm qua, bằng
nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh
nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của thành phố được quan tâm đầu tư đồng
bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, vệ sinh
môi trường... gắn với chỉnh trang đô thị, tu bổ các điểm du lịch, điểm vui chơi
giải trí, như: Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Di tích lịch sử văn
hóa Biển Hồ, Nhà lao Pleiku, Đền tưởng niệm Mộ Liệt sỹ Hội Phú, Nhà thiếu nhi
tỉnh, Làng văn hóa du lịch Plei Ốp tại phường Hoa Lư… đáp ứng nhu cầu tham
quan, giải trí của người dân địa phương và thu hút khách trong nước và quốc tế.
Trên địa bàn thành phố, có nhiều khách sạn, nhà hàng đã được đầu tư xây dựng hiện
đại và quy mô, như: Khách sạn Tre Xanh, khách sạn Pleiku, khách sạn Sê San,
khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, khách sạn Khánh Linh...; tính đến nay có gần 70
khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 01 khách sạn 3
sao, 11 khách sạn 2 sao… với tổng số trên 1.800 phòng và gần 3.000 giường; hầu hết các khách sạn,
nhà khách trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhưng chất lượng phục vụ
được đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.
Khu di tích lịch sử văn hóa
Biển Hồ hàng năm đều được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư, nâng cấp tạo điều
kiện cho du khách đến tham quan du lịch. Đặc biệt trong năm 2017, tỉnh Gia Lai
đã đầu tư kinh phí xây dựng bờ kè xung quanh Khu di tích; thành phố đã tạo điều
kiện cho Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức phục dựng Tượng Quán Thế
Âm Bồ Tát tại khu vực Đồi Vọng cảnh. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ
sung Khu Du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya, tỉnh Gia Lai vào danh mục các địa
điểm tiềm năng phát triển Khu Du lịch Quốc gia đây là điều kiện quan trọng để
xây dựng các định hướng phát triển, giải pháp quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai
thác và phát huy giá trị tài nguyên du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả, góp
phần thúc đẩy ngành du lịch Pleiku phát triển.
Công tác đầu tư phát triển
các loại hình và sản phẩm du lịch được quan tâm. Thành phố đang khảo sát xây
dựng Khu phố mua sắm, ẩm thực và xây dựng 02 làng văn hóa nông thôn mới (làng
Brel xã Biển Hồ và làng Wâu xã Chư Ă); phối hợp với Hiệp hội du lịch Gia Lai
xây dựng các tour du lịch cộng đồng (homestay) đưa du khách trải nghiệm cuộc
sống văn hóa, phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa
bàn. Các điểm tham quan du lịch hiện nay của thành phố thu hút một lượng lớn
khách tham quan, như: Lâm viên Biển Hồ, Chùa Minh Thành, Công viên Đồng Xanh,
Quảng trường Đại Đoàn Kết, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum,
Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai...
Công tác bảo tồn và phát huy
giá trị văn hóa phục vụ du lịch được thực hiện có hiệu quả, nhằm giữ gìn các di
sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số
như: Không gian văn hóa cồng chiêng, các lễ hội dân gian, các làng nghề truyền
thống, gắn với phát triển du lịch tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo
vệ môi trường và thiên nhiên. Thành phố đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để duy trì
và phát triển làng nghề truyền thống tại làng Phung I, xã Biển Hồ, đến nay đã
mở 2 lớp học nghề truyền thống với trên 200 học viên; phát triển cơ sở sản xuất
nhạc cụ dân tộc tại phường Thắng Lợi… góp phần lưu giữ và bảo tồn các giá trị
văn hóa truyền thống của người địa phương, tạo việc làm cho người lao động,
nâng cao thu nhập, ổn định đời sống kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác
lập kế hoạch phát triển du lịch còn chậm; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du
lịch còn hạn chế, quy mô các loại hình du lịch phát triển chưa tương xứng. Sản
phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa phát huy hết tiềm năng sản phẩm du lịch mang
đặc thù của địa phương; thiếu các loại hình dịch vụ chất lượng cao, như: Khu
vui chơi hiện đại, khu giải trí cao cấp./.
|