Sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn liền và
đồng hành với sự phát triển của lịch sử đất nước. Kể từ ngày đầu tiên thành lập
với tên gọi “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” giữa Chiến khu Việt Bắc
với 34 chiến sĩ quần nâu áo vải, vũ khí là cuốc xẻng, gậy, gộc, mác, giáo,
gươm, lê; Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh cao cả, xứng đáng
với tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội của dân”.

Những
người lính Bác Hồ Quân đoàn 5 trong buổi thi kéo co
chào mừng ngày thành lập
Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12. Ảnh: Mai Thắng.
Mặc dù Tổ quốc ta đã lặng im tiếng súng và đang trên
đường phát triển toàn diện, sánh vai cùng các cường quốc 5 châu trên thế giới,
nền kinh tế tăng trưởng, đất nước phồn thịnh, song, hơn 93 triệu người dân đất
Việt không bao giờ quên những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến
trường chinh của dân tộc. Các anh đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Xương cốt
các anh vùi chôn trong lòng đất để màu xanh hòa bình mãi mãi. Quên sao được
Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn hy sinh thân mình
làm giá súng, Tô Vĩnh Diện chẳng tiếc tuổi xanh chèn pháo bằng cả thân mình
trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Quên sao được những người lính trong đoàn quân
Tây Tiến đã hăng hái “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, để rồi “áo bào thay
chiếu anh về đất”. Quên sao được hàng ngàn người lính trở về sau những ngày
“nằm gai nếm mật” trên chiến trường khói lửa, dù thân mình chỉ còn một nửa, vẫn
tiếc nuối một thời hoa lửa…
Tiếp nối thế hệ những người lính Cụ Hồ thuở trước,
hàng ngàn, hàng vạn thanh niên vẫn hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng
quân trường, họ “tỏa” đi biên giới, ra Trường Sa xa xôi với một quyết tâm chí
khí đời trai “đi để bảo vệ Tổ quốc”, “đi cho thỏa chí đời trai”.
Nghĩ tưởng người lính thời bình không có những mất mát
hy sinh, song biên cương gian khổ, kẻ thù rình rập; biển xa sóng gió, thiên tai
bất thường; máu vẫn đổ trên biên thùy xa ấy, máu vẫn hòa vào lòng biển mẹ.
Không để cướp đảo thân yêu, trước họng súng quân thù,
Trung úy Trần Văn Phương đã hô vang: “Hãy kiên quyết bảo vệ đảo. Hãy để máu của
mình nhuộm đỏ lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Trước lúc ngã vào
lòng biển, Trung úy, Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh lương khô
cuối cùng cho đồng đội. “Sống cao đẹp là cống hiến vì Tổ quốc”, đó là lý tưởng
của liệt sĩ - Đại úy Dương Văn Bắc được cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 noi gương
và học tập.
Không ai muốn cuốn sổ truyền thống của Nhà giàn DK1
thêm trang mới, chẳng ai mong những người lính Trường Sa ngã xuống rạn đá san
hô, để máu đào của các anh hòa vào sóng biển; lịch sử cũng không muốn nhắc lại
quá khứ đau thương trong trận hải quân Trung Quốc tàn sát 64 người con bất tử
nằm lại đảo đá Gạc Ma, song trong dặm dài trường chinh xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, sự hy sinh mất mát là điều không tránh khỏi. Đó là sự hy sinh kiêu hãnh
của người lính thời bình, vì dân xả thân, vì biển đảo hy sinh, vì Tổ quốc quên
mình.
Sự hy sinh của người lính hôm nay, chính là viết tiếp
bài ca giữ nước của những người đi trước. Bài ca ấy đang chảy trong tim những
người lính trẻ. Bài ca ấy không bao giờ tắt, bởi nó được thắp sáng từ sự hy
sinh anh dũng kiên cường của cha ông được truyền từ thế hệ này, sang thế hệ
khác.
Quân đội thời bình có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đang
đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức, người lính Cụ Hồ thời bình tuy “nhàn”
hơn so với lính thời chiến trận, nhưng cũng đầy vất vả gian lao; đất nước hòa
bình, nhưng không phải đã lặng im tiếng súng. Trước mưu đồ thôn tính của nước
ngoài độc chiếm Biển Đông, trước tình hình an ninh trên biển bị đe dọa, những
người lính Trường Sa, DK1, cảnh sát biển và cả “những người lính không quân
hàm” kiểm ngư lại bước vào cuộc chiến đấu mới. Đó là cuộc chiến đấu không có
tiếng súng, đọ sức; chỉ có sự đấu tranh chính nghĩa và công lý, vì hòa bình,
bình yên của biển đảo. Những người chiến sĩ ấy đang thầm lặng hy sinh, mang
trong tim tình yêu Tổ quốc, mang trên vai tình yêu đất nước, mang danh dự của
người lính Cụ Hồ.