Hai tấm gương hy sinh cao cả của thanh niên Việt Nam
Tấm gương thứ nhất là chị Võ Thị Sáu. Chị Sáu sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Năm 1947 chị Sáu được kết nạp vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ lúc 14 tuổi. Với trí thông minh, nhanh nhẹn, chị Sáu đã lập được nhiều chiến công. Đó là, chị Sáu đã phát hiện kịp thời tên Sáu Thoại - nữ gián điệp làm chỉ điểm cho Pháp; phát hiện tên Sớm là nhân viên công an xã đã phản bội, đang chỉ đường dẫn Pháp vào đánh úp căn cứ của Đội Công an xung phong. Một lần, Chị đã ném lựu đạn ngay trong cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp (14/7/1948) do tỉnh trưởng Lê Thành Tường tổ chức tại Đất Đỏ. Sau chiến công này, chị Sáu được giao nhiệm vụ diệt tề trừ gian. Chị đã dùng lựu đạn khiến tên cai Tòng ác ôn phải nằm quằn quại trong vũng máu.

Chị Võ Thị Sáu, người con gái đã nêu gương sáng
về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ảnh tư liệu lịch sử.
Không may vào tháng 2/1950, khi
chị Sáu dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên ác ôn có nhiều nợ máu là Cả Đay và Cả Suốt
thì chị bị địch bắt. Kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn, chị chết đi sống lại
nhiều lần nhưng địch không khai thác được gì ở chị nên đày chị ra Côn Đảo.
Sáng 23/1/1952, giặc Pháp đưa
chị Sáu ra pháp trường xử bắn. Khi được hỏi có ân hận điều gì trước khi chết
không, chị đã trả lời: “Tôi chỉ ân hận chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước
và lũ tay sai bán nước”. Không cần bịt mắt, chị hiên ngang nhìn thẳng vào họng
súng kẻ thù hô to: “Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn
năm”.
Ngày 2/8/1993, Chủ tịch Lê
Đức Anh ký quyết định số 149/XT/CTN phong tặng Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu danh
hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vì “đã lập chiến công đặc biệt xuất
sắc trong chiến đấu, giữ vững khí tiết người chiến sĩ công an, nêu gương sáng
về chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Trong bài “Biết ơn chị Võ Thị
Sáu”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã viết: “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã
dâng cả cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước.
Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người
đang sống, giục đi lên không bao giờ lui”.
Tấm gương thứ hai là anh Nguyễn
Văn Trỗi. Anh Trỗi là con một gia đình nghèo tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng,
huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Sau Hiệp định Genève, gia đình anh vào Sài Gòn sinh
sống. Lớn lên, anh làm thợ điện ở nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức
Biệt động thành, Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn. Năm 1964, anh được tập
huấn cách đánh biệt động nội thành ở căn cứ Rừng Thơm, Đức Hòa (Long An).
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hiên ngang trước
pháp trường của kẻ thù. Ảnh tư liệu lịch sử.
Ngày 2/5/1964, anh nhận nhiệm
vụ đặt mìn ở cầu Công Lý, để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của
Chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Nhiệm vụ này ban
đầu được giao cho một đồng đội của Trỗi, nhưng anh xung phong đi thay vì vợ
chồng người đồng đội đó đã có con, dù bản thân anh cũng mới cưới vợ được 10 ngày.
Công việc bại lộ, anh bị bắt lúc 22 giờ ngày 9/5/1964.
Chính quyền Mỹ - Ngụy đưa anh
ra tòa án quân sự kết án tử hình. Nhóm du kích quân chống chế độ thân Mỹ tại
Venezuela sau khi nghe tin đã bắt sống trung tá Mỹ Micheal Smolen để ra điều kiện
đổi mạng với anh Trỗi. Chính quyền do Nguyễn Khánh đứng đầu ở Sài Gòn ngay lập
tức phải dừng lại việc xử tử biệt động Nguyễn Văn Trỗi. Hai bên đồng ý trao đổi
tù binh, nhưng sau khi Micheal Smolen được thả, Mỹ - Ngụy trở mặt.
Anh Trỗi bị xử bắn tại sân sau
nhà lao Khám Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964, trước sự chứng kiến của
nhiều phóng viên nước ngoài. Trước khi bị xử tử, anh đã hô lớn “Hãy nhớ lấy lời
tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam
muôn năm!”.
Sau khi bị địch xử bắn, anh Trỗi
được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Thành
đồng hạng nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi
trong bức ảnh chụp Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường: “Vì Tổ
quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc
Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương
cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên
học tập!”.

Tri ân liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố
Huế. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn.
Bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của nhà thơ Tố Hữu có
những câu thơ: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có
những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra/ Nguyễn Văn Trỗi!/
Anh đã chết rồi/ Anh còn sống mãi/ Chết như sống, anh hùng, vĩ đại” để ca ngợi
anh Nguyễn Văn Trỗi./.
Theo thống kê do Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội công bố gần đây, cả nước đã xác định được 8.841.199 người có công, chiếm
khoảng 10% dân số, trong đó có 1.146.250 liệt sĩ, 781.021 thương binh, người
hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B, gần 185.000 bệnh binh,
109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.898.000 người có công
giúp đỡ cách mạng, 4.146.796 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc,
bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, 236.137 người hoạt động kháng chiến bị
nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…
|
|