Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội tại địa
phương, gắn với tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông
thôn mới, hệ thống chính trị xã Ia Băng luôn chú trọng tuyên truyền vận động
nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng
dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết với sản xuất với tiêu thụ, góp phần
nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Chủ tịch UBND xã Phạm Quý Thành cho biết: “Với thực tế xã Ia
Băng người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ đồng bào dân tộc
thiểu số chiếm gần 65% dân số, xã đã lồng ghép các ngồn vốn chương trình mục
tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, các chương
trình dự án khuyến nông đầu tư hỗ trợ cây và con giống, phân bón; phối hợp với
các cơ quan chuyên môn cùa huyện mở các lớp chăm sóc cà phê và tái canh cà phê
bền vững, giúp người dân nâng cao kỹ thuật chăm sóc vườn cây cà phê để nâng cao
năng suất, triển khai mô hình tưới tiết kiệm, chỉ đạo nhân dân thực hiện tái
canh vườn cây cà phê được 280ha - đạt
186,7% kế hoạch”.
Cũng theo Chủ tịch Thành: Đến nay, tổng diện tích cây trồng
chủ yếu của xã là 4.473ha - tăng 689ha so với năm 2015. Tổng đàn gia súc, gia
cầm khoảng 13.326 con - trong đó đàn bò có tỷ lệ lai hóa 27,6%, đàn heo nạc hóa
bằng 63%, gia cầm khoảng 9.850 con… Các hộ chăn nuôi bò từng bước chuyển
dần sang mô hình trồng cỏ nuôi nhốt. Tại địa bàn đã hình thành 6 gia trại, trang trại chăn nuôi heo, gia cầm,
đồng thời đã thành lập 2 tổ liên kết sản xuất và 1 hợp tác xã nông nghiệp -
dịch vụ. Kinh tế của xã có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người
năm 2020 đạt 42,4 triệu đồng - tăng gấp 1,76 lần so với năm 2015. Đến nay, tỷ
lệ hộ nghèo của xã (tiêu chí đa chiều) còn 2,05%...
Bên cạnh đó, xã đã lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ
các chương trình mục tiêu Quốc gia, nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã và nguồn lực khác
do địa phương vận động. Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2015 -2020
là 218,6 tỷ đồng - Trong đó ngoài ngân sách các cấp phân bổ theo quy định, vốn
lồng ghép các chương trình, dự án khác, còn có nguồn vốn của doanh nghiệp và
các nguồn lực trong nhân dân tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới, góp
phần phát triển kinh tế - xã hội xã nhà.
Thành quả ấy phải kể đến vai trò của khối MTTQ và các đoàn
thể chính trị - xã hội của xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tạo
sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu như Hội Liên hiệp Phụ
nữ xã đã chỉ đạo các Chi hội tích cực trong việc tổ chức cho phụ nữ nghèo vay
vốn sản xuất. Hội đã lồng ghép phong trào xây dựng gia đình 4 tiêu chuẩn “no
ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” với các cuộc vận động. Giúp nâng cao hiểu
biết cho phụ nữ về tổ chức cuộc sống gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, giáo
dục và bảo vệ trẻ em và thực hiện Cuộc vận động “5 không 3 sạch”. Tổ chức hội
tuyên truyền vận động chị em xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái,
phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hoá, góp phần xây dựng nông thôn mới...
Ông Lek - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: “Hội đã phát
động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp kinh phí xây dựng các công trình nhà ở
cho hội viên nghèo, giúp hộ nghèo, cận nghèo khó khăn, ủng hộ ngày công lao
động, hiến đất làm đường giao thông nông thôn... Đồng thời, đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi
đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính
đáng”. Rất nhiều hộ nhờ tích cực học tập các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp
dụng vào sản xuất, đã trở thành hộ sản xuất giỏi. Hiện nay, số hộ đạt danh hiệu
sản xuất kinh doanh giỏi hàng năm của xã Ia Băng chiếm khoảng 70% số hộ đăng ký”.
Qua đó, đã phát huy
vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như
chị HNhưn ở làng Bông Lar đã giúp cho gần 10 hộ gia đình dân tộc thiểu số ở
làng học tập về trồng cây hoa màu, để có thu nhập ổn định và phát triển kinh tế
gia đình. Chị còn vận động bà con đào hố rác,
quyét dọn đường làng sạch sẽ, ăn ở vệ sinh, cho con em đến trường học
tâp... Ông Phạm Văn Diễn
ở thôn Hàm Rồng từ trồng trọt và chăn
nuôi cho thu nhập hàng năm từ 250 triệu đồng trở lên/mỗi năm. Hay như
ông Hyơm ở Thôn O Đất là một điển hình sản xuất giỏi, cho thu nhập 400 triệu đồng trở lên mỗi
năm. Ông được huyện và xã biểu dương, khen thưởng về thành tích góp phần
giúp đỡ các hộ khó khăn trong thôn. Tại Thôn Châm Prông, Bí thư chi bộ Rơ Mah
Thương cho biết thêm: “Ông Rơ Châm Lít là tấm gương tiêu biểu ở thôn với mô
hình trồng cà phê kết hợp chăn nuôi lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm. Ông
còn hiến 2 sào đất để làm đường giao thông nội đồng, 1.300 m2 đất xây dựng
trường học tại thôn”.
Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ và nhân dân, đến cuối năm
2020, xã đã thực hiện hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng xã Nông thôn mới - đạt
73,6%. Toàn xã có 11/11 thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa
- đạt 100%, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 75,2%...
Theo Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn
mới của xã Ia Băng Nguyễn Đình Minh: “Để cụ thể hóa và đạt mục tiêu Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ
xã Ia Băng vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện Chương trình mục tiêu
quốc gia về xây dựng Nông thôn mới năm 2021 và xác định đây là nhiệm vụ chính
trị trọng tâm của năm. Đồng thời, gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm của cấp
ủy, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức”.
Ông Nguyễn Đình Minh cũng nhấn mạnh: Xã tiếp tục huy
động mọi nguồn lực và sự tham gia của mọi người dân để xây dựng nông thôn mới,
gắn với hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cùng với duy trì và phát
huy 15/19 tiêu chí đã đạt, xã sẽ quyết tâm thực hiện đạt 4/19 tiêu chí còn lại
(Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Môi trường và an toàn thực phẩm, Hệ thống
chính trị và tiếp cận pháp luật). Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của các
cấp, vốn lồng ghép các chương trình dự án và ngân sách xã, cũng như nguồn vốn
hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn xã để xây dựng cơ sở vật chất
trường học, cải tạo nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ia Klai và một số tuyến đường
nội thôn… Đặc biệt, xã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành
nông nghiệp theo kế hoạch của huyện, các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu
thụ sản phẩm, nhân rộng các mô hình ứng
dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường. Chuyển
đổi một số diện tích cây trồng sang trồng hoa, rau và cây ăn quả, xây dựng sản
phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Mặt khác, tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách để
thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch trên địa bàn...