Âm mưu của địch lập Dinh điền và phong trào đồng bào dân tộc chống lần chiếm đất (1957-1959)
Từ tháng 3 - 1957, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách di dân từ các tỉnh đồng bằng miền Trung và một số ít dân Nam Bộ lên Tây Nguyên lập các dinh điền nhằm khai thác tiềm năng kinh tế vùng đất đỏ, xây dựng căn cứ quân sự, phân tán lực lượng quần chúng cách mạng để dễ bề khống chế, kiểm soát.
Ở Gia Lai, từ năm 1959 địch tiến hành cướp đất trắng
trợn, cày ủi ruộng rẫy, xây dựng các khu Dinh điền Pleiku I gồm 13 địa điểm và
Dinh điền Pleiku II, với 13 địa điểm, tổng số 34.952 dân, chiếm gần 30.000 ha.
Khu dinh điền Cheo Reo có bốn địa điểm, với 3.063 dân, chiếm trên 50.000 ha.
Mỗi dinh điền chúng cắm vào vùng nông thôn có tổ chức
bộ máy chặt chẽ, là pháo đài chống cộng, kết hợp 3 mục đích, kinh tế, chính trị,
quân sự nhằm khống chế đồng bào dân tộc trong vùng.
Trước chính sách cướp đất lập dinh điền của địch, Đảng
bộ lãnh đạo quần chúng phát động căm thù, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các
dân tộc, đề ra mục tiêu, yêu cầu và hình thức đấu tranh thích hợp, hạn chế địch
lấn chiếm, bảo vệ đất đai ruộng vườn.
Từ năm 1958 - 1959, trong tỉnh diễn ra nhiều cuộc đấu
tranh của đồng bào dân tộc chống lấn chiếm ruộng rẫy với nhiều hình thức phong
phú, điển hình một số phong trào như: Nhân dân các làng Ken Ngó, Ken Chớp, Mơrông
Ngó, Mơrông Yố, quanh dinh điền Ninh Đức (huyện 4 - nay là huyện Chư Păh) chặn
đầu xe ủi. Chị Rơmah Chăm dẫn đầu chị em bồng bế con em nằm chặn xe, hàng ngàn
đồng bào xông ra, dùng rựa, gậy gộc đánh trả bọn dân vệ và lôi lái xe xuống đất.
Chị được cán bộ nhân dân khâm phục gọi là “Rây Mông Điêng Tây Nguyên”.
Trong tháng 2 và tháng 3 năm 1959, nhân dân các làng,
xã Ia Kriêng (huyện 5) quanh dinh điền Đức Nghiệp vũ trang giáo mác, đòi trả đất
và thả người bị bắt. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, buộc bọn quản lý
dinh điền phải chấp nhận yêu sách. 20 làng xung quanh dinh điền Lệ Ngọc đấu
tranh chặn xe ủi địch, đưa yêu cầu bồi thường tài sản bị cướp. Cuộc đấu tranh
được sự ủng hộ của tề tổng và buộc địch phải nhượng bộ, hứa giải quyết yêu sách
và bồi thường. Cũng trong tháng 3 - 195, hơn 10 ngàn người của 123 làng quanh
dinh điền Lệ Phong tập hợp ra cắm cọc giữ đất, đấu tranh chống địch làm cam kết
giả, đòi bồi thường, khổng ủi đất rẫy của dân, buộc quận trưởng Lệ Thanh phải bồi
thường cho dân, làm lại giấy cam kết, ngừng việc ủi rẫy.
Ở quanh dinh điền Bảo Đức (huyện 4) hàng ngàn dân làng
Blang Yam, Ku Tông đấu tranh chống ủi phá mương nước buộc phái viên của Tỉnh
trưởng Pleiku phải chấp nhận. Thời kỳ các phong trào lên cao, có đến 143 làng của
huyện 4, 5 quanh 20 địa điểm dinh điền đấu tranh buộc địch phải chấp nhận kiến
nghị của Nhân dân.
Phong trào đấu tranh của quần chúng diễn ra với nhiều
hình thức và yêu cầu khác nhau, tác động mạnh mẽ đến đồng bào Kinh trong các
dinh điền, nhân dân dinh điền Ninh Đức đấu tranh đòi cấp gạo, thực phẩm, nhân dân
dinh điền Lệ Phong, Lệ Kim đấu tranh đưa kiến nghị đòi cải thiện đời sống, đòi
hồi hương. Ở dinh điền Lệ Ngọc quần chúng nổi dậy giết điểm trưởng ức hiếp dân.
Dinh điền Tân Lạc, Hiếu Nhơn, Sùng Lễ, Quý lễ.... (huyện 4, huyện 5) quần chúng
đình công bỏ về quê, không cuốc cỏ rẫy dinh điền... Các cuộc đấu tranh nhân dân
trong dinh điền tập trung vào mục tiêu đòi trồng lúa, bỏ trồng đay, chống bắt xâu,
bắt lính, đòi trở về quê cũ làm ăn...
Kết quả phong trào đấu tranh chống lấn chiếm đất đã hạn
chế và làm chậm âm mưu lấn chiếm đất của địch. Quần chúng đấu tranh quyết liệt
với địch để bảo vệ đất đai, ruộng rẫy, quyền lợi thiết thực của mình.
Qua phong trào, mặt trận đấu tranh vùng đồng bào dân tộc
được củng cố, phong trào đấu tranh trong vùng đồng bào dân tộc ngày càng phát
triển, lôi kéo cả tầng lớp trên, một bộ phận tề ngụy vùng dân tộc tham gia. Phòng
trào cũng đã cổ vũ đồng bào Kinh trong dinh điền đứng lên chống sự kìm kẹp của địch,
có tác động mạnh đến phong trào ở thị xã, thị trấn và các đồn điền./.
|