Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và vị thế ngành thống kê trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Trong năm 2020, Cục Thống kê Gia Lai được giao 124 người, trong đó: Biên chế công chức theo chức vụ lãnh đạo là 46 người, biên chế công chức theo chức danh chuyên môn là 61 người và 17 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68.
Đại hội Chi Đoàn Thống kê, Cục Thống kê tỉnh Gia Lai. Ảnh: T.H.
Tuy nhiên tới thời điểm hiện
tại, ngành Thống kê Gia Lai chỉ có 112 cán bộ,
công chức, người lao động được quản lý theo ngành dọc đến cấp huyện (đạt 90,3% số biên chế được Tổng cục Thống kê giao),
trong đó: Biên chế công chức theo chức vụ lãnh đạo là 29 người (đạt 60,3%),
biêm chế công chức theo chức danh chuyên môn
là 66/61 người (tăng 8,19% so với Tổng cục Thống kê giao). Tuy chỉ tiêu
công chức có tăng cao so với số biên chế Tổng cục Thống kê giao nhưng trong đó
đều là những biên chế công chức theo chức vụ lãnh đạo đang trong nguồn, do đó
tính chúng cho tổng số cán bộ công chức ngành Thống kê Gia Lai thì số lượng này
là chưa đủ theo vị trí công tác hiện nay. Nhân lực ngành Thống kê đã thiếu,
thêm vào đó nhân lực có chất lượng cũng chưa mạnh, đây là vấn đề nổi cộm nhất của
ngành Thống kê. Nếu vấn đề này không được giải quyết sớm thì vị thế ngành Thống
kê trong xã hội vốn đã thấp lại càng thấp. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
tại Cục Thống kê Gia Lai đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt tiêu chuẩn, có năng lực, phẩm
chất chính trị, đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và gắn với việc kiện
toàn hệ thống chính trị ở cơ sở. Bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ,
đủ nguồn cán bộ để thay thế cán bộ chủ chốt huyện ở mỗi nhiệm kỳ tiếp theo và
làm nguồn cán bộ cho cấp tỉnh, tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, xác định lại cơ cấu nhân lực của ngành Thống kê hợp lý,
nhằm phục vụ cho việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng nhân lực hiệu quả, đáp ứng
được các yêu cầu đổi mới hoạt động thống kê, trước hết là phải thực hiện Chiến
lược phát triển thống kê Gia Lai giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Trong
cơ cấu nhân lực phải xác định rõ số lượng và chất lượng cán bộ, công chức của
các phòng, Chi cục thống kê huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao cần được xác định rõ số lượng với các vị
trí công tác ở mỗi cấp.
Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng
đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức
cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thật sự tiền phong gương mẫu. Tiếp tục đẩy
mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó giúp cho cán bộ, đảng
viên hiểu biết sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường
lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nêu cao ý thức
chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm công dân; gương mẫu, tự giác đi
đầu trong các phong trào thi đua; góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị
ở cơ quan, đơn vị.
Ba là, xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức; hoàn thiện hệ thống chức
danh vị trí việc làm và phân công công việc; Sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ,
công chức nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; thu hút những người có
trình độ đào tạo theo tiêu chuấn, phù hợp với vị trí việc làm vào các cơ quan
chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động
của hệ thống các cơ quan nhà nước, tiết kiệm giảm chi thường xuyên, cải cách
chính sách tiền lương.
Bốn là, xây dựng chiến lược quy hoạch cán bộ, tạo nguồn cán bộ
lãnh đạo, quản lý, gắn với đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Việc xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức cơ sở là
nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Quy hoạch
phải đảm bảo các yêu cầu về độ tuổi, trình độ lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp
vụ. Quy hoạch cán bộ phải gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức
tại Cục Thống kê; có bước điều chỉnh, bổ sung kịp thời cán bộ quy hoạch, đáp ứng
nhu cầu bố trí cán bộ trong nhiệm kỳ và nhiệm kỳ kế tiếp, chuẩn bị nguồn kế cận
cán bộ chủ chốt và thay thế số cán bộ công chức không đạt chuẩn.
Năm là, nâng cao chất lượng tuyển dụng đối với cán bộ, công chức.
Thực hiện nghiêm các quy định về tuyển dụng cán bộ công chức bảo đảm nâng cao
chất lượng, chống tiêu cực; tiếp tục thực hiện chế độ ưu tiên tuyển dụng đối với
những người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại địa phương. Tất cả mọi
thông tin về điều kiện, tiêu chuẩn, chỉ tiêu, chuyên ngành tuyển dụng, nội
dung, hình thức thi tuyển…phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông
tin đại chúng để người dân biết và đăng ký dự tuyển. Việc tuyển dụng công chức
phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác và theo chỉ tiêu biên chế được
giao; thứ hai, đánh giá kết quả thi tuyển công chức phải chính xác, khách quan,
không thiên vị.
Sáu là, thực hiện tốt công tác đánh giá chất lượng đội ngũ cán
bộ, công chức. Thực hiện tốt nội dung, hoàn thiện quy trình đánh giá cán bộ,
công chức. Việc đánh giá phải công khai, khách quan, công tâm, lấy hiệu quả
hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ. Công
tác đánh giá phải được thực hiện một cách nghiêm túc theo định kỳ hàng năm,
tránh tình trạng làm lấy lệ, làm cho đủ thủ tục.
Bảy là, quan tâm chăm sóc, nâng cao sức khỏe, đảm bảo chế độ
chính sách, cải thiện môi trường làm việc đối với CBCC Thống kê. Quan tâm bố
trí nguồn kinh phí, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công chức; thực hiện
lồng ghép các chương trình, mục tiêu, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông -
giáo dục sức khỏe tại cộng đồng. Thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ để đảm
bảo lợi ích vật chất và động viên tinh thần đối với đội ngũ CBCC. Đây là những
yếu tố góp phần làm cho cán bộ yên tâm công tác, hết lòng với công việc, hạn chế
được những tiêu cực dễ phát sinh, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực
sự là những "công bộc" của dân.
Tám là, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, công chức.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo,
quản lý. Thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ,
xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Với tiềm năng con người và tài nguyên
hiện tại của tỉnh Gia Lai, với đội ngũ cán bộ, công chức các cấp được quan tâm
đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý, đánh giá và đãi ngộ tốt sẽ đem lại hiệu
quả cao, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng
hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và tầm quan
trọng của công tác thống kê trong mọi hoạt động đời sống xã hội, tôi hy vọng rằng
trong thời gian tới, ngành Thống kê Việt Nam, trong đó có ngành Thống kê Gia
Lai sẽ có bước chuyển mình quan trọng, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin thống
kê phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước ngày càng tốt hơn./.
|